Làng cát ứng phó với hạn hán

(NTO) Trở lại làng cát Nam Cương (xã An Hải, Ninh Phước) vào những ngày đầu tháng 5, chúng tôi gặp nông dân địa phương tất bật ra đồng sản xuất. Không công trình thủy lợi, không hệ thống “dẫn thủy nhập điền” nhưng với tinh thần quyết tâm bám đất làm giàu, người dân Nam Cương đã nỗ lực ứng phó với hạn hán với phương châm “còn nước, còn bơm, còn canh tác”.

Anh Trần Hợi, Bí thư Chi bộ thôn Nam Cương dẫn đường đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng đất cát ven biển đang vào vụ sản xuất hè-thu. Vừa đi đường, vừa trò chuyện, anh Hợi cho biết, theo những người cao tuổi trong làng cho biết từ trước tới nay, làng Nước Nhỉ (tên Nam Cương xưa) chưa bao giờ cạn kiệt nguồn nước như hiện nay. Ba năm gần đây, trời mưa chưa kịp ướt áo nên mạch nước chỉ còn chảy rỉ rả; nguồn nước giếng khoan bị nhiễm mặn. Toàn thôn có 138 hộ với 572 nhân khẩu dựa vào nguồn thu nhập 41ha đất trồng hoa màu ngắn ngày, 8ha ruộng lúa kết hợp chăn nuôi gia súc có sừng. Với đàn bò 542 con và đàn dê, cừu 300 con, bình quân mỗi nông hộ có 6 con gia súc, Nam Cương đã đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính. Anh Nguyễn Văn Ánh, Nguyễn Văn An, Võ Non… là những nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của làng cát Nam Cương.

Nông dân thôn Nam Cương chăm sóc cây trồng vụ hè - thu 2016.

Để ứng phó với tình hình khô hạn, trên 90% nông hộ ở Nam Cương đầu tư khoan giếng lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước, bảo đảm ổn định sản xuất. Riêng vụ hè-thu năm nay, do thiếu nước tưới nên nông dân chỉ canh tác 30ha đất màu tập trung các loại cây ngắn ngày như đậu phọng, dưa hấu, củ cải trắng, rau cải, măng tây xanh, cỏ chăn nuôi gia súc. Đến thăm nông dân Lê Hoàng Lam đang bơm nước tưới đậu phọng dưới chân động cát Cà Rang, anh cho biết, gia đình canh tác 1,1ha đất trồng hoa màu. Do nắng hạn kéo dài, nguồn nước nhiễm mặn nên anh chuyển 3 sào đất trồng rau an toàn sang trồng táo bắt đầu cho trái. Trên diện tích còn lại, anh trồng đậu phộng và măng tây xanh. Anh vừa thu hoạch 3 sào đậu phộng được 1,2 tấn củ tươi. Đậu phộng trồng trên đất cát chắc hạt, được thương lái thu mua tại ruộng với giá 15.000 đồng/kg, trừ hết chi phí sản xuất, anh Lam có thu nhập 13 triệu đồng. Thân cây đậu phộng còn cung cấp nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho 15 con dê sinh sản của gia đình trong những tháng khô hạn.

“Nếu thời tiết khô hạn 2-3 tháng nữa thì nông dân Nam Cương tiếp tục thu hẹp diện tích sản xuất do cạn kiệt nguồn nước tưới. Bà con mong muốn được cấp trên quan tâm đầu tư mở rộng kênh T8 thuộc hệ thống thủy lợi Nha Trinh từ thôn Từ Tâm về Nam Cương dài khoảng 2 cây số. Đây là giải pháp “thoát hạn” bền vững, giúp nông dân địa phương vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng xã An Hải đạt chuẩn nông thôn mới”-anh Trần Hợi chia sẻ.