Bản lĩnh đàn ông

(NTO) Bản lĩnh đàn ông là gì vậy ba? Cô con gái út chưa đầy mười tuổi hỏi. Mình thấy lạ, hỏi lại: Thế con thấy ai có bản lĩnh? Con bé bảo: “Ông nội nói ba không có bản lĩnh”.

Thì ra ông nội chê nên cháu muốn hiểu, mình tìm cách hoãn binh: Lớn lên con khắc biết. Có điều cuộc sống gian khó phải lăn lộn từ nhỏ, lớn lên cầm súng chiến đấu rồi chuyển ngành qua làm việc ở cơ quan nhà nước. Chính cuộc sống đã giúp mình hiểu thế nào là bản lĩnh đàn ông. Nghe anh bạn chia sẻ, tôi gật gù: Cái vụ bản lĩnh này hay, tớ phải phổ biến nhân rộng cho mọi người.

1. Thuở học trò, anh vốn sáng dạ, nghe thầy, cô giáo giảng hiểu bài liền. Những môn học tự nhiên, mình làm ngay bài tập về nhà tại lớp. Nhờ vậy có thời gian đi câu cá, bán hàng, làm lao động phụ giúp việc mẹ mình. Lớn lên, chuyển về học ở trường cấp ba thành phố, đám học trò cùng trang lứa biết anh dân nhà quê thường bắt nạt. Có lần, sau giờ tan trường, ba đứa học cùng khối chặn đường: Ê, thằng nhà quê, dám chơi không? Thế rồi không cần biết ý anh ra sao, chúng lao vào đấm đá túi bụi, may nhờ là dân lao động phản xạ chống đỡ tốt nên chỉ bị mặt thâm, mày tím. Thằng bạn thân biết chuyện anh bị đánh hội đồng, hắn tức lắm hỏi như chọc tức: Cậu có bản lĩnh không, phải cho bọn nó biết đàn ông lớp 9H là gì! Ít ngày sau, không ngờ tụi nó lại chặn đường, không chỉ ba mà những năm đứa: Sao, cúi chào đại ca đi, tụi tao cho đi! Mình chợt nhớ trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của tác giả Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp-xki có nhân vật Pa-ven Ca-rơ-sa-ghin anh hùng (thần tượng của học trò lúc bấy giờ) đã sử dụng cú móc câu hạ lũ con nhà tư sản ngạo mạn như thế nào, bèn thách thức: Tụi mày ngon thì một chơi một? Chỉ chờ có vậy, đứa to cao nhất nhào tới, tức thì chân trái mình xuống tấn, tay phải vung nắm tay hình cong đấm móc từ dưới lên vào quai hàm, làm hắn ngã ngửa. Tưởng tôi có võ, đám hung hăng kéo thằng bạn bị đánh ngã dậy, rồi rút lui kèm lời hăm doạ: Cứ đợi đấy!? Sau vụ phòng thủ này, tôi được đám bạn ca ngợi: Cậu là đàn ông thứ thiệt!!!

2. Thời học trò thích làm anh hùng rơm, học hành quậy phá, đánh nhau kiểu quân tử, qua đi rồi quên, nhưng có lẽ cũng góp phần hình thành bản lĩnh người lính sau này. Đó là hồi làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn, trong lần ba chàng lính lạc đường về đơn vị, bất ngờ bị địch phục kích. Tiếng nổ chói tai của đạn B40, B41, tiếng rền vang như pháo nổ của súng đại liên, tiếng ùm, oàng của đạn phóng lựu M79 cùng với những bụm lửa chói lòa tưởng như thiêu cháy bọn mình. Đáp lại màn hoả tiễn đầy uy hiếp của địch là những loạt đạn AK đĩnh đạc, điểm xạ hai viên một của lính chiến bọn mình, mà “mỗi viên đạn là một quân thù”. Phát hiện chúng tôi có ít người, chúng vừa dùng hỏa lực áp chế, vừa siết chặt vòng vây, dùng loa gọi đầu hàng. Trận chiến không cân sức, một anh bị thương gãy chân không đi được, đạn dự trữ cũng gần hết, chúng mình ráng cầm cự, dè sẻn từng viên đạn chờ trời tối dùng đạn vạch đường gọi tiếp viện. Cũng may, tụi Pol Pot này nghe tiếng AK điểm xạ chính xác biết gặp lính tinh nhuệ nên không dám tấn công bừa. Nhờ vậy mà ba chúng mình thoát cửa tử. Sau này, nghĩ lại đó là nhờ được tôi luyện qua chiến đấu mà bọn mình có được bản lĩnh trận mạc để rồi xử lý những tình huống chiến đấu từ bị động thành chủ động.

3. Cứ tưởng môi trường quân đội sẽ đào tạo nên những con người đầy nghị lực và ý chí để làm bất cứ công việc gì, trong mọi hoàn cảnh và ở bất cứ nơi đâu. Nhưng mỗi lĩnh vực lại đòi hỏi về phẩm chất, ý chí đối với con người khác nhau. Ngày mới chuyển qua cơ quan dân chính, tôi cứ ngang bằng-xổ thẳng (nói thẳng-nói thật) trong công việc, quan hệ ứng xử. Bẵng đi gần chục năm, tôi mới được bổ nhiệm làm trưởng phòng cơ quan huyện, tiếp chục năm sau tôi làm trưởng phòng một ngành của tỉnh. Có người ái ngại: Bạn bè, nhân viên của cậu giờ đều làm sếp lớn sao không nhờ họ giúp làm công việc gì có thu nhập cao hoặc giữ chức sếp phó ngành tỉnh. Nghe thật có lý, mình gia đình truyền thống, bản thân công tác tốt nếu giao trọng trách lớn hơn cũng là chuyện bình thường. Nhưng bình tâm nghĩ lại “thuyền to thì sóng to” nên cứ hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, chuyện ai làm gì, giữ chức vụ gì đó là việc của cấp trên, của tổ chức. Nghe anh nói chuyện công việc, chức tước nhẹ nhàng làm sao.

Trong thời buổi mà nhiều người coi việc vào cơ quan nhà nước như là sự cứu cánh và việc chạy chức, chạy quyền là cuộc đua không có hồi kết của một số người thì những người chấp nhận sự phân công của tổ chức, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thật đáng quý. Để đạt được như vậy không hề dễ, có lẽ ở họ đã hình thành nên “bản lĩnh đàn ông”, phẩm cách con người đã được tôi luyện từ cuộc sống.