CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Việc “tử tế” đâu thiếu!

(NTO) Chẳng hiểu có việc gì không hài lòng mà anh bạn tôi bỗng nhiên than phiền về chuyện “tử tế”. Anh nói: - Bây giờ người tử tế dường như càng ngày càng... hiếm. Rồi anh kể, hôm rồi trên đường đi làm về nhà gặp phải “ông” choai choai đầu đinh, xăm mình chạy xe đánh võng trên đường và “đánh” luôn vào đầu xe làm anh té lăn quay.

Lóng ngóng ngồi dậy thấy chung quanh đông người nhưng chỉ nhìn do hiếu kỳ mà không thấy ai... đỡ giúp hoặc hỏi han... Anh cho rằng: - Lòng tử tế vốn là truyền thống của người Việt mình nay “teo” dần mất rồi!.

Thanh niên hiến máu tình nguyện. Ảnh: Diễm My

Đúng là ông bạn tôi võ đoán thiệt. Lấy chuyện nhỏ xảy ra với mình lại quy kết cho cả “cộng đồng” xem ra không thỏa đáng chút nào. Thực tế cuộc sống ngày càng có nhiều tấm lòng tử tế thể hiện qua các việc làm với cộng đồng xã hội. Ví như chuyện mặc dù không ai đòi hỏi hay bắt buộc phải làm nhưng các bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện nhiều người không chỉ tích cực đóng góp, vận động mà còn thức khuya, dậy sớm để làm sao có được phần ăn ngon dù chưa phải là nhiều đạm cho những bệnh nhân nghèo và cả người thân của họ.

Hay như phong trào hiến máu nhân đạo được phát động nhiều năm qua đã có không ít thanh niên trong tỉnh đã xem đây là bổn phận, trách nhiệm với tâm niệm “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” để cấp cứu cho những bệnh nhân cần tiếp máu, giành lại sự sống và thực tế đã có hàng nghìn người được cứu sống chính từ những giọt máu hồng này. Đó không phải là tử tế sao?. Cũng có những người giữa cái nắng gay gắt của hạn hán đã tự nguyện làm thùng trà đá giúp cho người đi đường có nhu cầu giải khát.

Hoặc có người tự nguyện mỗi ngày bỏ ra cả trăm ổ bánh mì để mỗi sáng giúp cho người nghèo, trong đó có cả học sinh lót dạ... Đó là chưa kể không ít người ở các tỉnh đã không quản đường xá xa xôi để đến Ninh Thuận cứu trợ hạn hán hoặc vào dịp tết với tâm nguyện là giúp cho người nghèo có thêm điều kiện vượt qua khó khăn... Còn nhiều và nhiều tấm lòng tử tế không kể hết được đã và đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Tất nhiên, đây đó vẫn còn những người vô cảm; những người “bị sốc” cũng bởi việc làm tử tế của mình như đưa người bị nạn đi cấp cứu tại bệnh viện, không những không được cảm ơn, khen ngợi mà ngược lại bị hạch hỏi... vừa mất công sức, thời gian, thậm chí bị làm khó dễ nên ai cũng làm ngơ, bỏ đi cho xong!.

Suy cho cùng, sống tử tế là ta đang “cho” người khác sự quan tâm, sự hết lòng, sự chu đáo và tính trách nhiệm. Trong xã hội hiện đại, khi các mối quan hệ ngày càng phức tạp, đa dạng, tính gắn kết giữa con người ngày càng lỏng lẻo thì việc nhân rộng những việc làm tử tế là cần thiết để ngày càng hâm nóng tình cảm, tính trách nhiệm với cộng đồng. Như ông cha ta thường nói rất hay bằng câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng-Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” vậy.