Chuyện vui kháng chiến

Để ở đâu?

Giữa tháng 1-1947, Liên khu 1 Hà Nội đã nằm trong vòng vây xiết chặt của quân Pháp. Để giảm không khí căng thẳng sau các đợt chiến đấu, Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ đô chủ trương bình thường hóa sinh hoạt của chiến sĩ, mở các lớp đào tạo ngắn về chính trị, quân sự, bồi dưỡng đảng viên…

Chị Lê Thi, tuy mới 19 tuổi nhưng lại là đảng viên được xem là có trình độ lý luận khá, từng theo học các lớp do ông Trần Huy Liệu, Hải Triều giảng. Tại một lớp học chính trị, chị được phân công giảng bài “Nguồn gốc loài người”. Trước những cán bộ tiểu đội, trung đội trẻ măng và nghịch ngợm, chị trình bày rất khúc chiết rằng: “Loài người không phải do Chúa trời sinh ra mà từ loài khỉ tiến hóa dần lên”. Chị giảng vừa dứt, tất cả anh em cười ầm lên như vừa được nghe một câu chuyện khôi hài. Một người giơ tay xin hỏi: “… Nếu loài người từ các con khỉ mà ra, thì nay cái đuôi của khỉ để ở đâu? Đề nghị giải đáp ạ!”. Mọi người cười tưởng vỡ bụng. Lê Thi đỏ bừng mặt, biết là bị trêu ghẹo nhưng vẫn tự tin, nhanh trí giải thích: “Trong quá trình từ khỉ hình thành người, cái đuôi không dùng đến nữa nên nó cụt dần đi”.

Đừng nói dài dòng, vòng vo!

Cuối năm 1953, các đơn vị bộ đội của ta và của bạn trên chiến trường Trung - Hạ Lào gặp rất nhiều khó khăn về lương thực, thực phẩm. Ta và bạn đều thống nhất chủ trương vay lương thực, thực phẩm của nhân dân.

Bản Nong Phú được chọn vay thí điểm. Trong cuộc họp giữa cán bộ với dân bản, một cán bộ hậu cần của ta đã đọc một bài diễn văn “khá kêu”, với đầy đủ các ngôn từ mỹ miều, và còn cả những thuật ngữ quân sự nữa. Anh còn nêu lên tầm quan trọng của công tác bảo đảm hậu cần chiến dịch, nhấn mạnh việc vay lương thực, thực phẩm của nhân dân là một chủ trương nhất quán của lãnh đạo, chỉ huy Mặt trận… Vậy mà bà con vẫn tỏ ra chưa hiểu, chưa thấy ai hưởng ứng. Thấy vậy, ông Tài Xiêng là trưởng bản liền đứng lên nói: “Ta cho bộ đội vay gạo hay là để giặc chiếm bản cướp đi hết? Ai cho vay thì giơ tay lên?”.

Ông trưởng bản vừa dứt lời thì hàng chục cánh tay đồng loạt giơ lên. Đồng chí ghi sổ đăng kí không kịp.

Thế là từ chỗ thiếu lương thực nghiêm trọng, chỉ trong vòng một tuần, Bộ chỉ huy Mặt trận đã có đủ số lương thực, thực phẩm cần thiết, bảo đảm cho bộ đội ăn trong suốt mùa chiến dịch.

Sau này, bạn và ta cùng rút kinh nghiệm, đại ý: “Nói dài dòng, nêu nhiều ý nghĩa quan trọng, quan điểm, chủ trương quá thì dân bản khó nắm được nội dung. Cứ nói cụ thể, ngắn gọn, làm cho cán bộ thông trước thì mọi việc sẽ xuôi”.

Thiết nghĩ, câu chuyện trên đây cũng là một trong những bài học về công tác dân vận, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số của cán bộ, chiến sĩ ta hiện nay.

Mưu mẹo chị Sáu

Năm 1945, trong một trận đánh ở xã Tân Hương, chị Sáu Mành (quê ở Bình Hiệp, Mộc Hóa, Tân An) bị địch bắt, bị xích chân đưa vào một bót gần bờ sông. Chị nói với lính canh: “Các ông canh gác dày đặc rồi xích tay tôi làm gì, chi bằng cho tôi đi gánh nước, nấu cơm, giặt giũ, giúp đỡ các ông!”. Nghe bùi tai, bọn lính cởi xích trói cho chị. Được tự do, chị gánh nước cho chúng song cũng vừa tranh thủ quan sát địa hình, địa thế. Một hôm, thừa lúc bọn lính canh vô ý, chị quẳng đôi thùng xuống sông lặn mất. Bọn lính phát hiện được, đuổi theo vãi đạn như trấu. Khi trồi lên, chị gặp một chiếc xuồng con và một cô gái. Chị quá giang đến bờ tràm để vô vùng sâu. Khi lên bờ tràm, chị cắm đầu chạy mãi đến lúc mệt lả gặp một bầy trâu, tiếng súng vẫn còn đuổi rát sau lưng. Chị lanh trí lựa bắt một con trâu, nắm chặt dây vầm, nhảy phóc lên lưng trâu, thúc đôi chân vô bẹ sườn trâu. Con trâu dường như hiểu được nỗi hiểm nguy của chị, chạy băng băng vô cánh đồng xa… Chị mệt lả, miệng đắng ngắt vì khát nhưng vẫn ôm chặt lưng trâu và ngất đi… Khi tỉnh dậy, chị thấy mình đang ở Phú Mỹ, vây quanh là các mẹ, các chị với ánh mắt tràn ngập yêu thương, kính phục. Mọi người hỏi chị: “Sao dám bắt trâu người ta? Sao biết đường vô đây?”. Chị cười bẽn lẽn: “Đuối sức quá phải làm đại, vả lại “lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu” mà !”