Những khoảng nhớ chạm vào Phan Rang

(Đọc Sa mạc & những vệt nhớ của Nguyễn Thị Kim Hòa, NXB Văn hóa-Văn nghệ thành phó Hồ Chí Minh-2016)

(NTO) Thật bất ngờ khi Nguyễn Thị Kim Hòa vừa cho ra mắt tập tản văn “Sa mạc và những vệt nhớ”. Bất ngờ là bởi đọc các truyện, tập truyện ngắn trước kia của Kim Hòa, chúng ta thấy một sự “hoành tráng” của hiện thực cuộc sống được chất chứa trong đó, các truyện ngắn đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2013-2014, thậm chí truyện ngắn “Hoàng tử Rơm” đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi Việt Nam-Đan Mạch năm 2015, cô lại vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đầu năm 2016... Bất ngờ bởi lẽ sau những sự kiện “đẳng cấp” đó, người đọc quen nghĩ tác giả thường chấp bút để cho ra những tác phẩm tầm cỡ hơn, xứng danh với mình hơn, thế nhưng Kim Hòa lại ra mắt tập tản văn khiêm tốn.

Với 19 tản văn ngắn, cuốn hút người đọc ngay từ những trang đầu tiên. Hãy thì thầm một đoạn trong tản văn đầu: Mộc mạc bánh canh: “Bánh canh tôi nói là thứ bánh canh luôn rưng rức nhớ trong ký ức người Phan Rang nào trót xa quê, thứ mùi vị dù có nếm đến cả đời vẫn không lúc nào thấy ngán với những ai dù sống ngay giữa lòng Phan nắng gió: Bánh canh chả cá!”. Tôi tin chắc rằng đọc xong đoạn văn trên, người chưa từng đến Phan Rang sẽ tìm món này khi có dịp ghé qua xứ này.

Nhưng mô tả nồi bánh canh đâu chỉ để mô tả, mà gửi gắm, mà chất chứa bao nhiêu là tình yêu thương của tác giả vào trong đó: “Chìm trong vị bánh, tôi bỗng thấy thương hơn những cằn cỗi, hanh hao của quê mình. Mảnh đất giữa bạc thếch, khô héo vẫn chắt ra được đậm đà để nuôi mọi hương vị, nuôi tình người”.

Có nhiều người bạn ở xa đến Phan Rang, khi đãi món dông (gỏi dông, dông nướng, dông xào, chả dông, xứ Bình Thuận có món canh dông với dưa hồng...), tôi thường gọi đùa là đãi món “tiểu khủng long”, ban đầu nhiều bạn ngập ngừng cầm đũa. Sau này trong điện thoại thường hỏi: “Tiểu khủng long Phan Rang còn không?”. Trong “La cà cùng dông”, Kim Hòa với nhân vật bạn ban đầu khi nhìn thấy hình chụp dĩa dông nướng trong menu quán ăn đã tái mặt: “Xứ bà ghê quá, đi ăn cả tắc kè!”. Thế mà kết tản văn: “Người xứ bà thấy ghiền quá. Ghiền như thịt dông!”. Vỏn vẹn 4 trang in, tác giả đã kỳ công tả gỏi dông qua bàn tay chế biến tài hoa của người mợ, người dì đã đưa chúng ta từ trạng thái “ghê” sang trạng thái “ghiền”. Cũng phải kết hợp gần cuối tập sách khi đọc “Ầu ơ... ơi lá xào dông”, món tiểu khủng long này mới thật hoàn hảo.

Trong tập tản văn khó nói tản văn nào hơn tản văn nào. Ví như “Có nỗi nhớ mang tên... bánh tráng” nói về bánh tráng Phan Rang, Kim Hòa viết rất hay về ngày xưa ngoại xay bột làm bánh ở cối đá. Khỏi chê việc mô tả gạo, xay bột, tráng, phơi bánh, chỉ mỗi công cụ tưởng chừng không hề liên quan đến nỗi nhớ bánh tráng, đó là vỉ tre phơi bánh. Hãy nghe tác giả tả: “Đừng tưởng vỉ là một bến đỗ tầm thường. Từ những mối đan lúc chặt, lúc hở tạo thành bởi các nan tre, tôi nhận ra cả một nghệ thuật. Nghệ thuật giữ mà buông, buông mà giữ. Hèn gì nắng nóng bỏng làm vậy, gió lả lơi rũ quyến là vậy mà bánh vẫn một mực thủy chung bám vỉ không rời”.

Vẫn còn đó những tản văn hay chưa điểm: “Những kẻ tìm sông”, “Bấc lạc”, “Đế vương miền sa mạc”, “Thời bé xa xưa”, “Nhà cũ”, “Theo sông về biển”, “Biển của một thời”, “Mưa sa mạc”... viết về Phan Rang. Thậm chí cả: “Xe ôm Sài Gòn”, “Nhớ Sài Gòn”, “Đợi nhé đông Hà Nội”, ‘Xoa xóa miền Tây” không viết về Phan Rang, thì Kim Hòa vẫn dành muôn nhớ ngàn thương cho Phan Rang. Tôi đã đọc “Thị trấn khô” của Ngy Hữu xuất bản hồi mới tái lập tỉnh một, hai năm, bây giờ gặp “Sa mạc và những vệt nhớ” thì rõ ràng ở mức độ cao nhất, hai tác giả này đã dành cho Phan Rang tất cả tâm tình của mình. Kim Hòa tâm sự: “Chỉ là vài vệt nhớ xước ngang khi tôi chạm vào một dáng hình, một vùng đất. Chỉ là chút mênh mang tôi chắt ra khi lần đầu tiên áp tai vào lòng Phan Rang, vào cỗi cằn “sa mạc trắng” quê mình. Mênh mang nào ghim lút tim? Vệt xước nào hóa khói lên trời bay mất? Câu trả lời tôi muốn dành cho người đọc, sau khi gấp lại đôi trang nhớ mỏng mảnh này…”

Đó cũng là lời kết của bài giới thiệu này.