TRUYỆN NGẮN:

Quen quá mà…

1. Đêm về khuya, nó vẫn cứ trằn trọc. Đâu đây, tiếng côn trùng vẫn rả rích. Trong âm thanh quen thuộc ấy, tiếng dế vẫn làm cho nó não lòng hơn. Tuổi thơ của nó đã quen với tiếng dế từ lúc nó còn ở quê cùng ba mẹ cho đến khi nó theo ngoại về ở vùng ngoại ô của thành phố này. Mọi biến đổi của cuộc đời, của nhân tình thế thái nhiều khi quá ngỡ ngàng nhưng ở nơi nào, tiếng dế kêu vẫn thân thiết và đọng lại trong nó nỗi nhớ thương đến quen thuộc. Hình như bà ngoại biết nó không ngủ được…

- Tí! Đã khuya rồi sao con không ngủ?

Nó chưa vội trả lời mà nhẹ nhàng đến bên ngoại. Bà ngoại vẫn trùm kín chăn, nó cảm nhận ngoại chưa đủ ấm nên quay về chỗ ngủ lấy tấm đắp bằng loại vải mỏng mà từ lâu nay, nó được biết là tấm dù của ba mẹ nó để lại như một kỷ vật của một thời chiến tranh… Bà ngoại đã ngồi dậy:

- Cháu tôi ngoan quá. Có điều gì mà ngoại thấy từ đầu hôm đến giờ, con vẫn chưa ngủ được?

Vừa hỏi, ngoại vừa mân mê tấm dù trong tay nó như muốn ôm chặt kỷ niệm của một tình thương đã trải qua suốt những chặng đường; mặc cho tấm dù ấy hiện nay không còn nguyên vẹn như ngày nào nhưng tình thương của ngoại vẫn luôn vẹn toàn. Nó choàng tấm dù qua người ngoại:

- Thưa ngoại, mấy hôm nay có nhiều sự kiện, con nghe nhiều chuyện nhưng có một câu nói mà con vẫn chưa hiểu nổi chứ cũng chẳng có chuyện gì đáng lo đâu ngoại…

Bà ngoại như đã quá hiểu đứa cháu yêu của mình:

- Chuyện gì, câu nói gì mà làm cho cháu của ngoại không ngủ được… Không đáng lo nhưng không phải là nhỏ!

Nó rúc đầu vào lòng ngoại “Ngoại ơi! Ngoại luôn là người hiểu con nhất”. Bà ngoại khẽ cười và nói với nó: “Ba, mẹ mày khéo để lại cho bà cục cưng yêu dấu và dễ thương như thế này mà ngoại không hiểu con thì ngoại còn sống với ai đây”…

Nó cảm thấy hơi ấm từ ngoại nó truyền sang, không còn cảm giác ngoại chưa đủ ấm, mà hơi ấm từ trong người của ngoại có hơi ấm của ba mẹ, của tấm dù quen thuộc từ bấy lâu nay, hơi ấm của tình thương. Nó nói luôn với ngoại:

- Ngoại ơi! Mấy hôm nay, con nghe người ta thường nói “mấy thằng đó, mấy ông đó hoặc mấy đứa đó đều nhẵn mặt”… Con không hiểu được “nhẵn mặt” là gì, vì mỗi một sự kiện đều có những con người khác nhau!

Như đã hiểu được đứa cháu ngoại của mình rất quan tâm và chính bà cũng giật mình vì hai chữ “nhẵn mặt” đã chạm vào trái tim của bà nhiều ký ức, nhiều kỷ niệm buồn vui, cay đắng, ngọt bùi đan xen qua thời gian. Và cứ mỗi lần nghe ai nhắc đến hai tiếng “nhẵn mặt” là bà cảm thấy xót xa vì hình như cũng theo thời gian mà những gì bà biết đã có quá nhiều thay đổi…

2. Trong những tháng năm kháng chiến chống Mỹ, bà như một người mẹ của một đơn vị quân giải phóng địa phương. Đứa con gái duy nhất của bà và ba của cu Tí cùng với những anh em trong đơn vị cấp huyện nơi bà công tác đều là những người mỗi khi gặp nhau sau một thời gian xa cách, nếu ai đó có hỏi “Mẹ có nhớ con không” thì bà đều trả lời “tụi mày tao nhẵn mặt từng đứa mà làm sao quên được”. Những vòng tay xiết chặt, những nụ hôn thắm thiết hoặc những món quà là một câu hát, một trái cây rừng đã chín… luôn đến với bà sau câu nói “tao nhẵn mặt từng đứa”. Thế rồi, từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng đến nay và đặc biệt là từ sau khi ba, mẹ cu Tí sớm qua đời cách đây hơn ba năm; rời khỏi quê hương cùng với cu Tí về ngoại ô của thành phố này trú ngụ, câu nói “nhẵn mặt” đã không còn thân thương như những tháng năm về trước. Thực ra, khi dùng đến từ ngữ “nhẵn mặt” thì đó là một loại từ ngữ, một loại tiếng nói dùng để dành riêng cho những người rất thân thiết, thương yêu. Bà không có thời gian và bà cũng không để tâm tìm hiểu đúng sai ở mức độ nào nhưng cuộc sống đã bồi đắp cho bà một niềm tin chắc chắn rằng khi nói “nhẵn mặt” là nói đến những người quá quen, rất quen và rất yêu thương… Thời gian cứ trôi đi và sau này cứ mỗi ngày bà lại thấy cuộc sống nhiều đổi thay; cùng với những đổi thay đó, nhiều người và kể cả bà đã dần thay đổi cách dùng câu nói “nhẵn mặt”. Sự thân thương, sự yêu mến ngày nào đã trở thành xa lạ và thay đổi đến mức không ít lần chính bà đã dùng cụm từ “nhẵn mặt” để ám chỉ những kẻ đáng ghét, những tên lưu manh hoặc những cán bộ, quan chức nhà nước là loại người tham nhũng, tiêu cực…

3. Nó kể lại cho ngoại nghe một số trường hợp và từ những câu chuyện của cu Tí, bà đã hiểu vì sao đứa cháu thân yêu của mình lại trằn trọc suốt đêm khuya. Hai bà cháu như hai người tri kỷ cùng gặp nhau và cùng trăn trở bởi câu nói có chứa đựng cụm từ “nhẵn mặt”. Bà ngoại chỉ biết nói với cu Tí là theo sự hiểu biết của bà thì “nhẵn mặt” là tiếng nói dùng để bày tỏ tình cảm, thiện chí đối với những người thân quen, rất thân quen. Bà tin là như thế và do những biến đổi của thời cuộc nên bây giờ, người ta dùng cụm từ “nhẵn mặt” không còn nguyên nghĩa như ngày xưa mà có quá nhiều thay đổi, trong đó có những thay đổi rất đáng lo ngại và đáng sợ hơn. Như chưa yên tâm lắm, đêm ấy, bà ngoại đã nói với cu Tí là nếu chú tâm tìm hiểu thì nên gặp những người hiểu biết nhiều hơn…

Nó dừng bước trước một quán cà phê có ghi dòng chữ “điểm cà phê giao lưu pháp luật”. Thoáng ngạc nhiên, nó chần chừ một chút rồi bước nhanh vào quán. Mấy hôm nay, nó có nghe nói đến mô hình hoạt động “cà phê giao lưu pháp luật” nhưng nó cũng chẳng để tâm nhiều. Bất chợt hôm nay, nó nghĩ là dịp may để theo lời bà ngoại, tìm hiểu cụm từ “nhẵn mặt”. Nó cảm thấy vui và nhẹ nhõm khi nhận ra một số vị khách uống cà phê bên dòng chữ “điểm cà phê giao lưu pháp luật”. Nó bước đến và ngập ngừng:

- Dạ! Các bác cho con hỏi có phải đây là “cà phê giao lưu pháp luật” hay không?

Nó đã cảm thấy rất thân thiện khi có một vị khách trả lời: “Đúng rồi đó con! Con có nhu cầu gì?”. Nó lại nhìn quanh vì cảm thấy hình như nó còn thiếu một thứ gì đó, thì một vị khách khác đã nói “con cần uống thứ gì, để bác lấy cho. Hôm nay, mới khai trương nên bác “bao” cho con uống, miễn đừng uống rượu là được”…

Nó không ngờ các vị khách tại điểm cà phê giao lưu pháp luật có những cử chỉ quá giản dị và thân thương. Nó cũng không ngại ngùng gì “Dạ! Các bác cho con một ly chanh muối”. Một vị khách rất nhanh chóng gọi ly chanh muối và kéo ghế mời nó ngồi.

- Ok! Cậu bé rất hay… Con tên gì? Hình như con thấy bác đang uống chanh muối cho nên con gọi luôn phải không?

Nó hơi đỏ mặt “Dạ! Con là cu Tí… Dạ đúng, con thấy bác uống chanh muối và cũng là loại nước mà ngoại thường cho con uống”… Nó hơi ngỡ ngàng vì sau khi trình bày với các vị tại “điểm cà phê giao lưu pháp luật” là nó muốn tìm hiểu ý nghĩa của cụm từ “nhẵn mặt” thì đã diễn ra một cuộc trao đổi khá kỳ thú, sôi nổi nhưng cuối cùng thì vị khách cùng uống chanh muối đã hẹn nó là đến hôm sau sẽ có sự giải đáp chính thức…

4. Nó về báo tin vui với bà ngoại là nó sẽ được giải đáp thỏa đáng. Nó lại có một linh cảm rất khác biệt khi bà ngoại nói với nó mời các vị khách đến nhà và phải mời cho được người khách uống chanh muối…

Đúng hẹn, nó đến “điểm cà phê giao lưu pháp luật”. Các vị khách đang chờ và nó nhận ra đó là một sự chờ đợi rất thân thiện, nghiêm túc khi trước mặt vị khách uống chanh muối có một quyển sách mà nó nhìn rõ là “Đại từ điển Tiếng Việt”.

- Hôm nay, các bác chính thức giải đáp để con biết ý nghĩa của cụm từ “nhẵn mặt”…

Vị khách uống chanh muối nói và như để cho nó hiểu rõ hơn, nên ông ấy tiếp lời “Sở dĩ hôm trước các bác chưa vội trả lời với con là vì việc con hỏi “nhẵn mặt” là gì không thể trả lời trực tiếp mà giải tỏa được những điều con muốn biết. Ngay cả hôm nay, các bác đem cuốn từ điển này đến cũng để minh chứng cho con thấy ý nghĩa của câu chữ trong cuộc đời cần phải hiểu thế nào cho đúng” …

Sự linh cảm rất khác biệt của nó dần hiện rõ là bà ngoại và những vị khách này chắc hẳn đã quen biết nhau khi nó được giải thích “nhẵn mặt” theo Đại từ điển Tiếng Việt là “quá quen mặt, do đã gặp nhiều lần rồi”. Những vị khách đều là những hội viên Hội Luật gia, mỗi người đều có những ví dụ đưa ra để minh họa cho câu nói có cụm từ “nhẵn mặt” và tựu trung gặp nhau một điểm “nhẵn mặt” dùng để chỉ những người quen thuộc, thân thiết; là bản sắc và ý nghĩa sâu xa mang tính truyền thống nhân văn. Tuy nhiên, các bác cũng phân tích để nó hiểu sự chuyển biến trong giao tiếp của thời cuộc hiện nay thì cụm từ “nhẵn mặt” cũng được dùng để chỉ những kẻ như lời bà ngoại đã nói với nó. Trong thâm tâm, nó rất khâm phục bà ngoại và nó cảm thấy những vị khách, những vị luật gia tại “điểm cà phê giao lưu pháp luật” với bà ngoại chắc chắn là sự gặp gỡ của những người thân quen…

Nó không ngờ khi những vị khách đến nhà, người uống chanh muối khi nhìn thấy bà ngoại đã không giấu nổi sự ngạc nhiên, vui mừng “Bác! Bác có phải là Mẹ”… Và lúc ấy, bà ngoại cũng vội vã “Mày… Có phải là…”.

Bà ngoại và người khách uống chanh muối ôm chầm lấy nhau trước sự chứng kiến của các vị khách và nó đã nhìn thấy những giọt nước mắt của bà ngoại, của người khách uống chanh muối trong lời nói ngập ngừng nhưng chan chứa tình yêu thương của bà ngoại “nghe cu Tí nói, Mẹ đã nghĩ đến tụi con, những đứa con mà Mẹ đã từng cho uống chanh muối trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ”. “Tụi mày Mẹ đã “nhẵn mặt” rồi còn gì”…