Nhận xét về giáo dục tỉnh nhà, đồng chí Lương Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, người đã có hơn 39 năm gắn bó với sự nghiệp GD&ĐT Ninh Thuận, chia sẻ: Những năm đầu sau ngày giải phóng, việc dạy và học gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, sự góp sức của toàn xã hội, 41 năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh ta đã có bước phát triển vượt bậc. Mạng lưới, quy mô trường lớp, nhất là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được củng cố và mở rộng, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên qua từng năm học, tạo thế và lực để ngành GD&ĐT tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.
Học sinh Trường THPT Bác Ái trong giờ Tin học.
Ngược dòng thời gian về 41 năm trước, khi đất nước mới giải phóng, quy mô giáo dục cả nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Thời điểm tái lập tỉnh (tháng 4-1992), hệ thống GD&ĐT tỉnh ta tuy đã có bước phát triển so với trước nhưng nhìn chung, mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học còn thiếu và tương đối nghèo nàn. Nhiều xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có trường lớp, tỷ lệ HS bỏ học còn cao…
24 năm sau ngày tái lập tỉnh, được sự quan tâm, chăm lo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, ngành GD&ĐT đã có bước phát triển vượt bậc so với trước. Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 324 cơ sở giáo dục với 131.278 HS ở cấp mầm non, phổ thông (so với năm học 1991-1992, số cơ sở giáo dục tăng 1,6 lần, số học sinh tăng 1,8 lần); 2.479 học viên giáo dục thường xuyên; 2.681 SV cao đẳng sư phạm, trung cấp chuyên nghiệp; trên 10.350 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 99,83% giáo viên đạt chuẩn đã cơ bản đáp ứng yêu cầu và quy mô phát triển của ngành. Toàn tỉnh hiện có 74/235 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, phường giữ vững được chuẩn về xóa mù chữ; 63/65 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi; 60/65 xã, phường, 5/7 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ HS TH học 2 buổi/ngày đạt 50,1%. Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ HS khá, giỏi các cấp học đều tăng, tình trạng lưu ban, bỏ học giảm. Trong 5 năm học trở lại đây, tỷ lệ HS đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đạt bình quân 22,42%. Riêng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn thi tuyển đại học, cao đẳng hằng năm luôn xếp hạng từ 50-73 trong top 200 trường THPT có tổng điểm đại học bình quân cao nhất cả nước. Hệ thống các cơ sở đào tạo phát triển ổn định cả ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, khối giáo dục đại học, cao đẳng có 3 đơn vị, gồm: Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Viện Đào tạo và Khoa học Ứng dụng miền Trung, Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận; khối giáo dục nghề nghiệp có 8 đơn vị: Cao đẳng Nghề, Trung tâm Dạy nghề Tấn Tài, Trung cấp Việt Thuận, Trung cấp Y tế, Phân hiệu Trung cấp Y Dược Hà Nam và 3 Trung tâm GDTX-DN-HN đã đào tạo, liên kết đào tạo, giáo dục hàng ngàn lượt HS, SV, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Cùng với những chuyển biến trong sự nghiệp giáo dục chung, 41 năm qua, chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh cũng không ngừng được nâng lên. Đến nay, tất cả các xã miền núi đều có trường mầm non, TH, THCS khang trang, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đáp ứng yêu cầu dạy tốt, học tốt. Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (5 trường), phổ thông dân tộc bán trú (11 trường) được củng cố và phát triển, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy và học, đảm bảo kết quả phổ cập giáo dục THCS bền vững ở những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Công tác quản lý và tổ chức dạy học chữ Chăm trong các cơ sở giáo dục phổ thông được tiếp tục duy trì có nền nếp và đạt hiệu quả.
Bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng, điều đáng ghi nhận trong tiến trình phát triển của ngành GD&ĐT những năm qua là các tập thể, cán bộ, giáo viên, HS, SV của ngành luôn nỗ lực vượt khó, phấn đấu và tiếp tục giữ vững danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, chiến sĩ thi đua các cấp và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển giáo dục bền vững. Nhiều HS, SV nỗ lực vượt khó, giành nhiều thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi cấp quốc gia, khu vực, mang vinh dự về cho tỉnh nhà. Điển hình như Trường THPT Nguyễn Trãi được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Tập thể Trường TH Tấn Tài 3 (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, Trường THPT Ninh Hải…; các thầy, cô giáo: Đỗ Trung Thu (nguyên Phó Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh), Nguyễn Trung Quốc (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An), Trần Thanh Tuấn (Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn)… được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Các em: Nguyễn Thanh Liêm (cựu HS Trường THPT Chu Văn An) đỗ thủ khoa khối B, Đại học Sài Gòn và á khoa khối A, Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh năm 2012. Hai HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn là Trịnh Ngọc Thạnh, đỗ á khoa Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và Ngô Duy Tài, đỗ á khoa Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh năm 2014. Em Võ Thanh Bảo (cựu HS Trường THPT Nguyễn Trãi) là tấm gương tiêu biểu vượt khó, học giỏi, đoạt giải Ba cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm 2014 với chiếc gậy S.O.S và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh. 87 SV tỉnh ta đang du học ngành Điện hạt nhân tại Liên Bang Nga theo diện đào tạo nguồn lực cho 2 Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực rèn luyện, học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ, sớm trở về phục vụ quê hương, đất nước.
Từ những kết quả đạt được và sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội, tin rằng, ngành GD&ĐT tỉnh ta sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, huy động được nhiều nguồn lực nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Các thế hệ thầy, cô giáo, HS, SV tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực vượt khó, chung tay góp phần đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà ngày càng phát triển, xây dựng quê hương Ninh Thuận văn minh, giàu mạnh.
Phạm Lâm