Phụ nữ xã Thành Hải: Đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế

(NTO) Những năm qua, Hội Phụ nữ xã Thành Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) luôn tích cực vận động chị em tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức cụ thể. Qua đó, góp phần giúp phụ nữ, hội viên vươn lên trong cuộc sống, khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong các phong trào của địa phương.

Toàn xã hiện có 1.709 hội viên, hầu hết chị em sống dựa vào nông nghiệp. Nhằm giúp phụ nữ, hội viên phát triển kinh tế, ổn định đời sống, hằng năm, Hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể khảo sát hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, trên cơ sở đó giới thiệu, tín chấp cho chị em vay vốn phát triển kinh tế từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền hiện nay gần 8 tỷ đồng (bình quân mỗi hộ vay từ 10-30 triệu đồng). Ngoài nguồn vốn này, để chị em có thêm điều kiện phát triển sản xuất, Hội còn thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động các Tổ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế như: Tổ phụ nữ góp vốn xoay vòng, Tổ trang trí, Tổ mùa xuân…; các CLB: Phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, Phụ nữ xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ bảo vệ môi trường”... Thông qua các nguồn vốn vay, nhiều chị em có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, qua đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, đạt hiệu quả cao.

Phụ nữ thôn Công Thành (xã Thành Hải, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) trồng cây ăn trái, tăng thu nhập nâng cao đời sống gia đình.
Ảnh: Văn Miên

Điển hình như mô hình “Chăn nuôi heo nái” gồm 5 thành viên ở Chi hội Phụ nữ thôn Công Thành. Theo đó, mỗi thành viên trong tổ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ thức ăn nuôi heo nái. Năm 2013, mỗi chị nuôi từ 1-2 con làm giống, sau đó cho phối giống để phát triển đàn. Bằng những kinh nghiệm và kỹ thuật tích lũy được trong các buổi tập huấn, đàn heo phát triển tốt. Đến nay, tổng đàn lên đến 16 con heo mẹ, bình quân mỗi năm sinh sản 480 heo con. Nuôi khoảng 3 năm thì đổi giống một lần, tránh thoái hóa giống. Từ việc bán heo giống và heo thịt, trung bình mỗi chị thu trên 120 triệu đồng/năm. Nhằm hạn chế dịch bệnh, trong quá trình nuôi, các chị luôn chú trọng giữ gìn vệ sinh chuồng trại, đảm bảo vệ sinh môi trường. Chị Trần Ngọc Minh, Tổ phó mô hình, vui mừng chia sẻ: Trước đây do chăn nuôi đơn lẻ, kinh nghiệm lẫn vốn còn thiếu. Sau khi tham gia mô hình, được chị em trong tổ chia sẻ thêm kinh nghiệm, kỹ thuật cũng như hỗ trợ con giống tốt. Nhờ đó, heo phát triển đều, ít bệnh, sinh sản tốt, góp phần cải thiện đời sống gia đình.

Hay mô hình liên kết sản xuất theo chương trình “1 phải, 5 giảm” với 12 thành viên. Theo đó, các chị ứng dụng khoa học-kỹ thuật trên cây lúa, nho, táo…, dần dần thay đổi tập quán sản xuất cũ, góp phần tăng sản lượng, nâng cao thu nhập. Mô hình bóc tách hạt điều; dịch vụ cưới hỏi giúp chị em giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập từ 1,8-2,5 triệu/tháng/chị. Song song đó, cũng có thể kể đến những mô hình như: Vần đổi công, cho mượn lúa giống giữa các hội viên…, tạo mối quan hệ đoàn kết, thu hút nhiều chị em tham gia. Cùng với hoạt động hỗ trợ vay vốn, Hội đã chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để chị em áp dụng vào sản xuất…, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thành Hải, cho biết: Với những kết quả đã đạt được, Hội tiếp tục duy trì, tìm hiểu và hướng dẫn cho chị em nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, dạy nghề, đẩy mạnh chuyển giao khoa học-kỹ thuật… để giúp chị em phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững.