Tp. Phan Rang-Tháp Chàm: Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non

(NTO) Những năm qua, giáo dục mầm non trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, chất lượng ngày càng được nâng cao… Có được thành công này một phần không nhỏ là nhờ thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục.

Đồng chí Đinh Lâu, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, cho biết: “Số lượng trẻ trong độ tuổi mầm non trên địa bàn thành phố tăng đều từng năm. Để đảm bảo cơ sở vật chất trường lớp, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của trẻ, thành phố xác định đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục chính là giải pháp hàng đầu trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp như hiện nay”. Thực hiện hiệu quả giải pháp đề ra, thành phố tích cực kêu gọi, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trường lớp, đóng góp hỗ trợ giáo dục… Nhờ đó, hệ thống trường lớp mầm non ngày càng hoàn thiện, mở rộng và đạt chất lượng. Ngoài 16 trường công lập, trên địa bàn còn có 13 trường mầm non tư thục, 21 lớp mầm non độc lập, 49 nhóm trẻ, đảm nhận nuôi dạy trên 8.200 trẻ. Trong đó, số trẻ ở các trường tư thục trên 5.000 trẻ.

Giờ sinh hoạt của các bé Trường Mầm non Ánh Sáng.

Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương, ngành chức năng, điều đáng ghi nhận mỗi nhà trường đều có nhận thức, ý thức trách nhiệm cao trong công tác này. Thông qua các nguồn hỗ trợ từ Hội Phụ huynh học sinh, các tổ chức, doanh nghiệp, các trường thường xuyên bổ sung, nâng cấp các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, khu vui chơi, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục, nuôi dạy trẻ. Điển hình như Trường Mầm non Ánh Sáng, được thành lập từ năm 1997, ban đầu chỉ có 3 nhóm lớp, nuôi dạy 80 trẻ. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của phụ huynh, năm 2009, nhà trường đầu tư trên 5 tỷ đồng xây mới toàn bộ cơ sở vật chất, với 9 phòng học, trong đó có 1 tỷ đồng là từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm và phụ huynh học sinh, đáp ứng nhu cầu học tập của gần 300 trẻ từ 2-5 tuổi; đến năm 2011, tiếp tục đầu tư xây mới thêm 4 phòng học, nâng lên 13 lớp, tăng số trẻ nuôi dạy lên gần 500 trẻ. Trong quá trình hoạt động, nhà trường luôn nhận được sự đóng góp từ phía Hội phụ huynh học sinh, hỗ trợ nhiều trang thiết bị như tivi cho các lớp học, đồ chơi, nguyên vật liệu, vật liệu phế thải để làm đồ dùng học tập, đồ chơi cho trẻ và trang trí khu vui chơi thêm sinh động, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Hàng năm 100% trẻ đạt chuẩn phát triển, điều này đã tạo được niềm tin đối với phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Thanh Yên, phụ huynh học sinh, chia sẻ: Trước đây khi gửi bé vào trường, tôi cũng hơi lo lắng, vì ít nhiều còn quan niệm trường tư không tốt bằng trường công. Tuy nhiên, hiện giờ gửi cháu ở trường, tôi rất an tâm vì không những cở sở trường lớp khang trang, sạch sẽ, mà về thể lực cũng như kỹ năng của bé đều phát triển tốt.

Hay như Trường Mẫu giáo Vành Khuyên, để góp phần khắc phục khó khăn về kinh phí trang trải hoạt động cũng như cải thiện cơ sở vật chất phục vụ nuôi dạy trẻ, nhà trường vận động một số doanh nghiệp như Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh, Bảo Minh Ninh Thuận hỗ trợ hàng chục triệu đồng và một số hiện vật như sách vở, đồ dùng học tập, ghế đá... Hằng năm, Hội phụ huynh học sinh tự nguyện đứng ra vận động quyên góp kinh phí, hiện vật… tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ nhân các ngày lễ như Tết Trung thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi… Bà Võ Lương Kim Soa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Để huy động được sự hỗ trợ từ xã hội, ngoài công tác vận động, tuyên truyền, nhà trường mời các phụ huynh, các doanh nghiệp tham quan thực tế rồi vận động, đặt vấn đề yêu cầu sự hỗ trợ. Để tạo lòng tin cho phụ huynh, doanh nghiệp, mọi khoản đóng góp, việc thu chi đều được công khai, minh bạch giúp phụ huynh, doanh nghiệp thấy được đóng góp của mình được sử dụng đúng mục đích, mang lại lợi ích thiết thực, tạo điều kiện học tập, vui chơi tốt hơn cho con em mình, từ đó ngày càng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.

Nhờ đẩy mạnh công tác xã hội hóa, chất lượng giáo dục mầm non ngày càng được nâng cao. Hiện nay, thành phố đã có 16/16 xã, phường đã phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.