Hút thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe con người

(NTO) Như chúng ta đều biết, hút thuốc lá không có lợi cho sức khỏe, thuốc lá giết chết một nửa số người sử dụng nó. Tại Việt Nam, có 50% nam giới và 3,4% nữ giới hút thuốc lá (theo thống kê của Tổ chức Sức khỏe thế giới) cao nhất châu Á. 26% thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 15-24 tuổi hút thuốc lá.

Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, 10% dân số Việt Nam, nghĩa là vào khoảng 7,5 triệu người Việt Nam sẽ chết sớm do hút thuốc lá. Cũng theo ước tính của Tổ chức Sức khỏe thế giới, đến năm 2020, số người Việt Nam chết do sử dụng thuốc lá sẽ nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS, lao, tai nạn giao thông và tự tử cộng lại.

Những người hút thuốc còn có nguy cơ ngưng thở khi ngủ cao hơn 2,5 lần so với người bình thường. Các nhà khoa học đã chứng minh thuốc lá là tác nhân phát triển một số bệnh ung thư, tim mạch, nhiễm trùng và trầm cảm. Quá trình hút thuốc sẽ làm các hóa chất độc hại và kim loại nặng xâm nhập, phá hoại cơ thể theo thời gian. Nicotine là một chất kích thích mạnh, nên người hút thuốc lá rất dễ bị mất ngủ nếu hút thường xuyên và sát giờ đi ngủ. Ngoài ra, hút thuốc lá cũng ảnh hưởng đến chức năng sinh sản như sinh non, băng huyết sau sinh, dễ sẩy thai ngẫu nhiên, gia tăng tần suất sinh ra thai nhi bị bất thường bẩm sinh; thời kỳ cho con bú, Nicotine được thải qua sữa có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Còn đối với người không hút thuốc nhưng lại phải chung sống hay cùng làm việc với những người hút thuốc lá, đặc biệt là đối tượng trẻ em có nguy cơ bị bệnh rất cao do hít phải khói thuốc thụ động, trẻ dễ bị viêm phế quản phổi mạn tính với những đợt cấp, bệnh lý về tai-mũi-họng, nhức đầu.

Vì vậy, việc từ bỏ thuốc lá vô cùng quan trọng. Khi quyết định từ bỏ thuốc lá, chúng ta không nên để thuốc lá trong túi áo; khi thèm hút thuốc, ta nên nghĩ về những hình ảnh đặc biệt hay làm một công việc gì đó để quên cảm giác này đi, bởi vì chỉ cần khoảng 5-10 phút cố gắng chống lại với cảm giác thèm hút thuốc thì nhu cầu này sẽ biến mất. Khi thèm hút thuốc ta nên tự hỏi những câu sau để thấy sự vô nghĩa của nó: Hút thuốc sẽ có nguy cơ bị ung thư phổi rất cao cùng với những bệnh lý nguy hiểm khác, vậy hút thuốc để làm gì? Tại sao mình lại tự hủy hoại sức khỏe của mình, hủy hoại sức khỏe của người thân trong gia đình và những người xung quanh?

Nên tập thể dục thường xuyên, hãy bắt đầu đi bộ khoảng 30 phút đến 1 giờ, điều này có thể làm mất cảm giác thèm hút thuốc lá. Tập thể dục, thư giãn đều đặn hàng ngày giúp cho cơ thể thoát khỏi sự lệ thuộc đối với thuốc lá, rượu và ngay cả với ma túy nữa. Nếu như vẫn còn cảm giác thèm thuốc xuất hiện, chúng ta hãy thực hiện những bước sau để dập tắt ngay ngọn lửa thèm muốn đó: Hãy hít một hơi thật sâu như khi bạn đang hút thuốc lá, nín hơi càng lâu càng tốt. Uống một ngụm nước (hay có thể uống nhiều ngụm liên tục), uống nhiều nước còn giúp thải nhanh lượng Nicotine ra ngoài cơ thể. Nên tìm một công việc, hay thú vui gì đó để làm cho khuây khỏa sự thèm muốn hút thuốc lá.

Với những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người, tốt nhất đừng bao giờ sử dụng thuốc lá. Chấm dứt thói quen hút thuốc sẽ nhận thấy những khôi phục kỳ diệu trong chất lượng giấc ngủ.