Dấu ấn sự kiện lịch sử trong nước ngày 5-12

* Sự kiện

- Ngày 5-12-1922: Đoàn xiếc Việt Nam của nghệ sĩ Tạ Duy Hiển công diễn buổi đầu tiên. Cách đây 93 năm, đoàn Xiếc Việt Nam của nghệ sĩ Tạ Duy Hiển đã công diễn tại chợ Hàng Da (Hà Nội), với các tiết mục xiếc hiện đại có quy mô lớn, khởi đầu cho nghệ thuật xiếc Việt Nam hiện đại. Đến nay xiếc Việt Nam đã có chỗ đứng và khẳng định được phong cách riêng của mình trên bản đồ xiếc thế giới. Đây là kết quả của những nỗ lực, sáng tạo không mệt mỏi, vượt qua khó khăn, gian khổ của các thế hệ nghệ sĩ xiếc Việt Nam. Lòng yêu nghề, sự sáng tạo của những diễn viên trẻ cộng với kinh nghiệm của những thế hệ đi trước là cơ sở để chúng ta tin rằng xiếc Việt Nam hiện đại sẽ tiếp tục có những thành công mới.

- Ngày 5-12-1997: Ra mắt Tổ chức Nghị sĩ Việt Nam hữu nghị với các nước và 18 Nhóm Nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội Việt Nam. Hoạt động của Tổ chức Nghị sĩ Việt Nam hữu nghị với các nước và 18 Nhóm Nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước, phù hợp với phương thức hoạt động ngoại giao Nghị viện vừa mang tính chất Nhà nước, vừa mang tính chất Nhân dân.

- Ngày 5-12-2007: Ra mắt bộ sách Kho tàng sử thi Tây Nguyên đồ sộ nhất Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Công ty FAHASA ra mắt bộ sách Kho tàng sử thi Tây Nguyên đồ sộ nhất Việt Nam từ trước tới thời điểm này. Bộ sách gồm 75 tác phẩm sử thi của các dân tộc Ba Na, Mơ Nông, Chăm, Ê Đê, Raglai, Xơ Đăng được in thành 62 tập. Đến năm 2008, tại Hội thảo quốc tế sử thi Việt Nam, các học giả Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan… đều bày tỏ ngạc nhiên về sự đa dạng và phong phú của sử thi Việt Nam, ghi nhận thành công bước đầu của Việt Nam trong việc giữ gìn tài sản văn hóa phi vật thể. Năm 2009, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận bộ sách này là kỷ lục Công trình sưu tầm và xuất bản sử thi Tây Nguyên lớn nhất Việt Nam.

- Ngày 5-12-2011: tại Hà Nội, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (VAST) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ký Tuyên bố chung về ý định hợp tác trong hoạt động hàng không và vũ trụ dân dụng. Đây là thỏa thuận cơ bản đầu tiên giữa Việt Nam và NASA và là cơ hội mở ra những triển vọng hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và NASA trong lĩnh vực hàng không và vũ trụ, một lĩnh vực tuy còn rất mới mẻ nhưng đã có những bước phát triển nhanh ở Việt Nam.

- Ngày 5-12-2013: Đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và văn học dân gian. Đây là loại hình đặc sắc của vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ, là sự kết hợp tinh tế, hòa quyện giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc ta, vừa mang những nét đặc trưng của người dân phương Nam. Việc Ðờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận đã cho thấy thế giới đánh giá rất cao loại hình âm nhạc này ở miền Nam của Việt Nam, và sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hóa thế giới.

* Nhân vật

- Ngày 5-12-1986: Ngày mất của Đại tướng Lê Trọng Tấn. Đại tướng Lê Trọng Tấn sinh ngày 3-10-1914, quê ở Hoài Đức, Hà Nội. Ông có nhiều đóng góp trong hai cuộc cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với tư cách Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 đã đánh thẳng vào trung tâm sở chỉ huy Mường Thanh, bắt sống tướng De Catries. Mùa xuân năm 1975, ông lại là tư lệnh cánh quân phía Đông đánh thẳng vào Dinh Độc Lập, chấp nhận sự đầu hàng của chính phủ Dương Văn Minh. Với nhiều công lao, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Tên ông được đặt cho một số đường phố tại Hà Nội, Hà Đông.

Theo TTXVN