Quốc hội thông qua Luật Thống kê

Sáng ngày 23/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thống kê với 84,21% đại biểu tán thành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Luật gồm 9 Chương, 72 Điều quy định về hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; tổ chức thống kê nhà nước và hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, thực hiện hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê.

Luật quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê và sử dụng dữ liệu thông tin thống kê; quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê nhà nước. Theo đó, bảo đảm nguyên tắc trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời; độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; thống nhất về nghiệp vụ, không trùng lặp, không chồng chéo; minh bạch, công khai; có tính so sánh.

Luật quy định nguyên tắc cơ bản của hoạt động thống kê ngoài thống kê nhà nước. Theo đó, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm; không xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Về thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, Luật quy định: Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành phải được cơ quan thống kê trung ương thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê trước khi ban hành. Thời hạn thẩm định là 20 ngày, kể từ ngày cơ quan thẩm định nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định.

Chỉ tiêu thống kê bộ, ngành được điều chỉnh, bổ sung phải được cơ quan thống kê trung ương thẩm định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê trước khi ban hành.

Về trách nhiệm của bộ, ngành đối với các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Luật quy định rõ: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về số liệu thống kê mà bộ, ngành mình được phân công thu thập, tổng hợp trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Đáng chú ý, Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê nhà nước và ngoài nhà nước. Trong đó, cấm khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê; can thiệp, ép buộc, áp đặt, mua chuộc, đe dọa, dụ dỗ người khác khai man, làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê; báo cáo, công bố, phổ biến thông tin thống kê không chính xác; tiết lộ thông tin thống kê thuộc bí mật nhà nước; tiết lộ dữ liệu, thông tin thống kê chưa được công bố của cơ quan, tổ chức; sử dụng dữ liệu, thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài mục đích thống kê khi chưa được sự đồng ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó; thu thập, phổ biến thông tin thống kê thuộc bí mật nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Theo đó, người nào có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về thống kê thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật./.

Tổng điều tra thống kê quốc gia gồm:

a) Tổng điều tra dân số và nhà ở;

b) Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản;

c) Tổng điều tra kinh tế;

d) Các cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia khác.

 Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam