Quốc hội thông qua Luật Khí tượng Thủy văn

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII, chiều 23/11, Quốc hội làm việc tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Khí tượng Thủy văn và thảo luận về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi).

Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình khí tượng thủy văn ban hành đã được 20 năm và chỉ điều chỉnh đến mảng công tác điều tra cơ bản, cụ thể là khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thuỷ văn, không bao quát được đầy đủ các mặt hoạt động khác của lĩnh vực khí tượng thuỷ văn. Mặt khác, do ban hành ở thời điểm năm 1994, nên nhiều thay đổi, phát triển kinh tế - xã hội có liên quan tới hoạt động khí tượng thủy văn ở thời điểm hiện nay, cũng như các chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước đã không được phản ánh, dự liệu đầy đủ trong Pháp lệnh.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa có chế độ khí hậu, thủy văn rất phức tạp và đa dạng. Các loại thiên tai khí tượng thủy văn như bão, lũ lụt, nước biển dâng, mưa lớn, hạn hán, rét hại... hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Đặc biệt, Việt Nam lại là một trong số ít các nước được đánh giá là bị tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Trong những điều kiện như vậy, lĩnh vực khí tượng thuỷ văn cần cấp thiết được tăng cường cả về thể chế quản lý và năng lực kỹ thuật, công nghệ để hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống, quản lý rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, các nhu cầu phục vụ khí tượng thuỷ văn ngày càng nhiều hơn với các đối tượng đa dạng và phức tạp hơn, kéo theo các dịch vụ khí tượng thuỷ văn phát triển. Hoạt động khí tượng thuỷ văn theo truyền thống trước đây chỉ có Nhà nước đảm nhiệm nay sẽ có thêm những thành phần khác tham gia. Ngày càng có nhiều tổ chức, doanh nghiệp mong muốn tham gia cung cấp các dịch vụ khí tượng thuỷ văn. Xu hướng xã hội hóa, thương mại hoá hoạt động khí tượng thuỷ văn trở thành xu thế tất yếu. Thực tế cũng đã có một số công ty tư nhân tham gia các dịch vụ khí tượng thuỷ văn. Các hoạt động này chưa có sự quản lý toàn diện, ngoài việc cấp phép. Vì vậy rất cần có những cơ chế pháp lý quản lý các hoạt động này nhằm mang lại lợi ích cho xã hội và tạo sự bình đẳng trong hoạt động khí tượng thủy văn khi có nhiều tổ chức tham gia.

Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Khí tượng thủy văn là hoàn toàn cần thiết để tạo ra bước thay đổi mang tính đột phá toàn diện cho công tác quản lý nhà nước về khí tượng thuỷ văn; bảo đảm điều kiện cho hoạt động khí tượng thuỷ văn phát triển, cung cấp và sử dụng thông tin khí tượng thuỷ văn trong các lĩnh vực kinh tế xã hội có hiệu quả và là công cụ pháp lý hướng dẫn, bảo đảm các biện pháp quan trọng trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng con người và tài sản xã hội, góp phần phát triển bền vững kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của quốc gia.

Với 83% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật khí tượng, thủy văn. Luật Khí tượng Thủy văn gồm 10 chương, 57 điều. Luật quy định về hoạt động khí tượng thủy văn gồm: quan trắc; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết và quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn. Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức quốc tế tham gia hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thảo luận về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có điều khoản quy định về áp dụng trực tiếp các điều ước quốc tế; đối tượng áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế và thủ tục áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế.

Các đại biểu cho rằng, Dự án Luật đã được sửa đổi, bổ sung một cách khá cơ bản và toàn diện. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, tên gọi của Luật chưa bao quát hết phạm vi điều chỉnh của Luật. Một số đại biểu kiến nghị sửa tên gọi của Luật thành “Luật Điều ước quốc tế” cho ngắn gọn và bao quát.

 

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, đoàn Thái Bình. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Các đại biểu cũng cho rằng, hiện một số cam kết tương đối rõ ràng nhưng hiếm khi áp dụng trực tiếp như cam kết về thuế suất hàng hóa và dịch vụ, hay như lĩnh vực áp dụng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, đoàn Thái Bình cho rằng: Các điều ước quốc tế quy định đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện nhưng cũng khó có thể áp dụng trực tiếp, do đó cần phân định rõ các loại điều ước có thể áp dụng trực tiếp và loại điều ước quốc tế nào tiến hành nội luật hóa.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ việc đề cập tới việc tổ chức thực hiện điều ước quốc tế khi phải “quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế” mà không đề cập tới việc tổ chức thực hiện điều ước quốc tế trong trường hợp “áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ kiến nghị cần có điều, khoản quy định về áp dụng trực tiếp các điều ước quốc tế; thứ hai là đối tượng áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế; thứ 3 là thủ tục áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế”.

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị Dự án Luật quy định rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế, đặc biệt là kế hoạch nhằm triển khai hoạt động “sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế”.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam