Khuyến công - Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(NTO) Xác định hoạt động khuyến công không chỉ tạo động lực cho các làng nghề, cơ sở sản xuất phát triển, mà còn góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng giá trị công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động vùng nông thôn, những năm qua, tỉnh ta dành một phần kinh phí không nhỏ để hỗ trợ cho lĩnh vực này. Tuy quy mô, mức độ, hình thức đầu tư mỗi năm có khác nhau, nhưng hiệu quả mang lại của công tác khuyến công rất đáng kể.

Ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM) tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 4.000 doanh nghiệp và cơ sở tiểu thủ công nghiệp, hoạt động chủ yếu theo các ngành nghề như: Chế biến nước mắm, rượu nho, sản xuất nước đá, dệt thổ cẩm, gốm, sản xuất đồ mỹ nghệ từ gỗ, dệt chiếu, chế biến thủy, hải sản... Để tạo động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở phát triển, hàng năm, thông qua nguồn vốn Chương trình khuyến công quốc gia và địa phương, đơn vị đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để thực hiện các đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cho doanh nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, đơn vị tiếp tục đầu tư trên 1,3 tỷ đồng để thực hiện 20 đề án hỗ trợ; trong đó, có 6 đề án khuyến công quốc gia và 14 đề án khuyến công địa phương. Qua đó, đã giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các công nghệ mới, vượt qua thời kỳ khó khăn, ổn định sản xuất, đưa giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề từ đầu năm đến nay đạt 617 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 20% của ngành Công nghiệp và tăng 12,2% so với cùng kỳ.

 
Du khách tham quan làng Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (Ninh Phước). Ảnh: Văn Miên

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, dù nguồn kinh phí khuyến công hàng năm hỗ trợ các cơ sở sản xuất chưa nhiều, nhưng với sự nỗ lực của tỉnh trong huy động mọi nguồn lực, đến nay, nhiều làng nghề truyền thống đã được đầu tư khôi phục, kết hợp chương trình dạy nghề, hỗ trợ vốn mở rộng sản xuất. Cụ thể, tại 3 làng nghề: Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ và gốm Bàu Trúc, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh đã đầu tư gần 30 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng các làng nghề khang trang, ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, còn tạo động lực phát triển kinh tế vùng nông thôn thông qua việc thu hút du khách đến tham quan, mua sắm.

Cùng với đầu tư phát triển làng nghề, từ năm 2014 đến nay, thông qua nguồn vốn khuyến công, tỉnh ta còn hỗ trợ thành công nhiều đề án như: Xây dựng 2 mô hình lò nung gốm ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước); hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm cho HTX Sản xuất-Kinh doanh nước mắm Cà Ná; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất nước giải khát bằng mủ trôm cho Doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Thanh... Đặc biệt, mới đây, trên cơ sở khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, Trung tâm KC&XTTM tỉnh còn thực hiện đề án hỗ trợ cho hộ kinh doanh Nguyễn Minh Đạt (thôn La Vang, xã Quảng Sơn, Ninh Sơn), ứng dụng đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất bánh mì từ đốt củi sang sấy điện, đã góp phần nâng cao năng suất rõ rệt cho cơ sở, từ công suất 50 ổ/20 phút đến nay tăng lên 240 ổ/20 phút, không những giúp doanh nghiệp giảm được chi phí lao động mà sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn.

Trung tâm KC&XTTM còn phối hợp với Công ty May Tiến Thuận và Công ty Cổ phần May Tân Tiến Ninh Thuận tổ chức 11 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho trên 340 lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, có trên 200 lao động đã hoàn thành khóa học, có việc làm ổn định tại Công ty May Tiến Thuận, với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng; số học viên còn lại dự kiến giữa tháng 12 năm nay hoàn thành khóa học sẽ được Công ty Cổ phần May Tân Tiến Ninh Thuận tiếp nhận vào làm việc. Hỗ trợ và giới thiệu cho 30 cơ sở, doanh nghiệp tham gia 14 đợt hội chợ tại các tỉnh, thành phố, như: KomTum, Cần Thơ, Hải Phòng, Phú Thọ, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tuy kết quả đạt được là vậy, nhưng thực tế phải nhìn nhận rằng, công tác khuyến công ở tỉnh ta hiện vẫn phát triển chưa sâu rộng. Theo lý giải của lãnh đạo Trung tâm KC&XTTM tỉnh, nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa các địa phương, các ngành liên quan trong tỉnh triển khai từ khâu lựa chọn, xây dựng đề án cho đến triển khai đề án còn hạn chế. Việc tuyên tuyền, phổ biến để các cơ sở, địa phương chủ động tham gia vào hoạt động khuyến công chưa được thường xuyên, nên chưa phát huy hết khả năng vốn có của doanh nghiệp...

Để công tác khuyến công ngày càng phát triển, theo ông Phạm Thanh Bình, trong thời gian tới, Trung tâm KC&XTTM tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho hoạt động khuyến công. Phối hợp các đơn vị, địa phương đẩy mạnh việc hỗ trợ truyền nghề, khôi phục làng nghề, tổ chức tập huấn đào tạo dạy nghề; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lựa chọn hướng đầu tư ngành nghề phù hợp, cách lập dự án mới để nâng cao hiệu quả sản xuất nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trước mắt, trong năm 2016, đơn vị tiếp tục đầu tư khoảng trên 1,2 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện 11 đề án nhằm ứng dụng máy móc, thiết bị vào các lĩnh vực: Chế biến rong sụn, chế biến bột mủ trôm, tách vỏ hạt điều tự động trong quy trình chế biến hạt điều và quy trình chế biến muối tinh... để nâng cao hiệu quả sản xuất, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.