Thế giới trong tuần

1. Myanmar đang đứng trước bước ngoặc lớn của sự chuyển giao quyền lực hậu bầu cử. Tuy kết quả cuộc tuyển cử lịch sử chưa được chính thức công bố nhưng với số phiếu được kiểm cho tới thời điểm này, Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập của bà Aung San Suu Kyi đang dẫn trước một cách áp đảo.

Nếu xu hướng này tiếp diễn, chiến thắng sẽ đưa Đảng NLD lên nắm quyền lần đầu tiên trong lịch sử. Tổng thống Myanmar Thein Sein đã ra tuyên bố chúc mừng Đảng NLD, đồng thời cam kết sẽ chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ. Đó là những tín hiệu tích cực sau một cuộc bầu cử lịch sử được đánh giá là minh bạch và thành công. Theo quy định của Hiến pháp hiện hành, bà San Suu Kyi, 70 tuổi, từng đoạt giải Nobel Hoà bình; không được giữ chức tổng thống cho dù Đảng của bà có thể giành được số ghế áp đảo trong lưỡng viện Quốc hội vì người chồng quá cố và hai người con của bà là công dân Anh. Và dù kết quả cuộc tuyển cử này như thế nào, quân đội sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trên chính trường Myanmar, bởi quân đội giữ 25% số ghế ở cả lưỡng viện, do đó vẫn có quyền phủ quyết bất kỳ động thái thay đổi Hiến pháp nào.

Hòa hợp dân tộc và chia sẻ quyền lực giữa quân đội và đảng thắng cử đang là mong muốn lớn nhất của người dân Myanmar lúc này.

2. Sau nhiều hội nghị cấp cao chưa tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư, các nhà lãnh đạo châu Âu một lần nữa gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao EU-châu Phi ở Man-ta để tiếp tục giải bài toán. Trong khi đó, vấn đề di dân trở nên cấp bách hơn khi số người nhập cư đổ về “lục địa già” tăng vọt, chỉ trong 10 tháng từ đầu năm 2015 đã lên 1,2 triệu người, gấp bốn lần so năm ngoái kéo theo những hệ quả khôn lường.

Trong bối cảnh nêu trên, lãnh đạo các nước EU tham dự hội nghị đã thông qua thỏa thuận thành lập quỹ ủy thác trị giá 1,8 tỷ Euro hỗ trợ châu Phi… Cho đến nay, có 25 trong tổng số 28 quốc gia thành viên EU và 2 quốc gia ngoài EU là Na Uy và Thụy Sĩ cam kết đóng góp khoảng 78,2 triệu Euro cho quỹ này.

Quỹ ủy thác được thành lập nhằm giải quyết tận gốc các vấn đề như đói nghèo, bạo lực-nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng di cư được coi là lớn nhất kể từ Đại chiến thế giới thứ hai. Thông qua chương trình tạo việc làm và tăng cường nỗ lực ngoại giao, các nhà lãnh đạo EU và châu Phi hy vọng sẽ giảm hoặc chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra tại nhiều khu vực ở lục địa này.

3. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ không kỳ vọng hội nghị quốc tế diễn ra vào ngày 14-11 tới tại Vienna (Áo) có thể nhất trí về một lộ trình chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria, do các bên tham gia vẫn bất đồng về số phận của Tổng thống Bashar al-Assal.

Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định bất cứ giải pháp nào cho cuộc xung đột ở Syria đều phải tập trung vào việc thiết lập một chính quyền vững chắc ở Damascus chứ không chỉ xoáy vào số phận của Tổng thống Assad; đồng thời nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta cần nỗ lực để tiêu diệt khủng bố tại Syria và đảm bảo việc khôi phục hòa bình và ổn định… chính người dân Syria sẽ quyết định ai là người điều hành đất nước”.

Một động thái liên quan đến cuộc xung đột ở Syria, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bác bỏ cáo buộc của phương Tây rằng Nga bảo vệ Tổng thống Syria Assad và tái khẳng định lập trường của Moskva rằng tiếp tục dùng vũ lực đồng thời chính quyền ở Damascus không chỉ phương hại đến Syia mà sẽ trở thành một mắc xích nguy hiểm trong chuỗi các sự kiện hủy hoại Trung Đông.