Rộn ràng trống hội Katê

(NTO) “Ngày vui Katê vang tiếng trống tiếng kèn Saranai. Làng quê ta ơi cùng hát lên tiếng hát mùa xuân múa vui”

Katê về, tiếng trống Ghinăng, trống Paranưng, kèn Saranai hòa quyện rộn ràng cùng với giai điệu dân ca Chăm trên các tháp Chăm, khắp trong làng Chăm theo đạo Bàlamôn.

Nghệ nhân biểu diễn trống paranưng.Ảnh: Lê Pháp

Trong đời sống văn hóa, người Chăm có rất nhiều loại nhạc cụ, nhưng thường sử dụng phổ biến nhất và không thể thiếu trong bất cứ lễ hội nào vẫn là bộ ba: trống Ghinăng, trống Paranưng (thuộc bộ gõ), kèn Saranai (thuộc bộ hơi). Mỗi loại nhạc cụ đều có hình dáng và âm thanh rất riêng, mang đậm văn hóa Chăm. Nếu trống Ghinăng mang đến người nghe âm thanh rộn ràng thì kèn Saranai réo rắt vang cả một khung trời, hòa chung với tiếng trầm bổng của trống Paranưng khiến cho những bản hòa tấu âm thanh của các nhạc cụ này luôn mạnh mẽ, dồn dập và tươi vui.

Trong các lễ hội của người Chăm, bộ ba nhạc cụ nói trên luôn gắn liền với nhau. Trống Ghinăng có hình trụ, dài khoảng 80cm, hai đầu trống được bịt bằng da trâu, kéo thật căng. Khi diễn tấu, trống Ghinăng đi thành cặp, được đặt chéo nhau, một mặt tiếp đất, một mặt hướng lên trời, được 2 người cùng dùng dùi để đánh. Trong khi đó, kèn Saranai là nhạc cụ thổi bằng hơi, cấu trúc gồm 3 phần gắn liền nhau: phần chuôi, phần thân và loa. Còn trống Paranưng có hình tròn, được bịt một mặt cũng bằng da khô, kéo thật căng. Theo quan niệm của người Chăm, kèn Saranai, trống Paranưng, Ghinăng là bộ 3 nhạc cụ tượng trưng cho hình dáng của 1 con người, lớn hơn nữa là đại diện của thiên-địa-nhân (trời-đất-người). Kèn Saranai tượng trưng cho phần đầu, trống Paranưng là phần thân và trống Ghinăng tượng chân cho đôi chân của con người. Cả ba nhạc cụ này khi phát ra tiếng đều có thể nhận biết được, không lẫn lộn vào đâu được. Cùng với kèn Saranai, trống Paranưng, trống Ghinăng là bộ ba nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Chăm. Nếu thiếu một trong ba bộ nhạc cụ này, bản hòa tấu âm thanh sẽ không còn đặc sắc, mất đi phần hồn vốn có.

Ảnh: Nguyễn Văn Bửu

Không thể phủ nhận vai trò, ý nghĩa của bộ ba nhạc cụ này trong đời sống tâm linh của đồng bào Chăm. Hình ảnh nghệ nhân Chăm bên đôi trống Ghinăng, Paranưng và kèn Saranai từ lâu đi vào câu ca, cuộc sống của người Chăm, âm thanh rộn ràng của các nhạc cụ này làm cho những giai điệu dân ca thêm mượt mà, cùng với những điệu múa quạt, múa khăn của các thiếu nữ Chăm mềm mại, uyển chuyển theo từng tiếng nhạc vẽ nên bức tranh sinh động, tạo ấn tượng khó phai cho những ai đã từng thưởng thức.

Với một lễ hội quan trọng của đồng bào Chăm, mỗi khi nghe âm thanh của các loại nhạc cụ này, từng nhịp, từng nhịp bản tấu vang lên, rộn ràng chào đón mùa lễ hội Katê vui tươi, đầm ấm.

“Katê, plây Chăm đón chào mùa xuân về”.