Đến với bài thơ hay: Lời thề mùa đông

 Bắt đầu từ một mùa đông
Chú tôi ra trận rồi không trở về
Cũng từ một buổi chiều quê
Cô tôi đã nhận lời thề mùa đông!

Cũng là phận gái chưa chồng
Người còn hóa đá – cô không hóa gì!
Đá còn đợi bước thiên di
Còn con để bế, cô thì chịu không
Núi còn hòn vợ, hòn chồng
Cô tôi ôm nỗi chờ mong bạc đầu…

Cái ngày tôi bước qua cầu

Cô không khóc bởi sợ nhàu áo tôi
Bây giờ cô đã về trời
Lạy cô, lạy cả một trời mùa đông!

Bùi Hoàng Tám

Tôi thường có thói quen đưa vào sổ tay thơ những bài thơ hay của các nhà thơ, các bạn bè thơ mà mình yêu thích, mong có sự sẻ chia với mọi người; trường hợp bài thơ “Lời thề mùa đông” của nhà thơ Bùi Hoàng Tám là như vậy, mặc dầu tôi chưa hề gặp anh.

“Lời thề mùa đông”, ngay tựa đề bài thơ đã gây ấn tượng cho tôi, bởi nó toát lên sự cô đơn lạnh lẽo; một lời thề của sự chịu đựng cho dù cuộc sống mai kia có phải mất mát, hy sinh đến nhường nào đi chăng nữa, và cái được không phải là cái được cho bản thân mà là cho dân tộc, cho đất nước…

Ôi! Trên thế giới này có lẽ ít dân tộc nào lại phải chống giặc ngoại xâm liên miên như dân tộc ta; và sự chịu đựng của người ở hậu phương cùng với người ra trận vượt lên trên cả không ai khác, chính là những người mẹ, người chị rồi người cô, người dì…

Có một điều cũng dễ thấy là trong văn học của ta, nói tới người mẹ, người chị khá nhiều, nhưng nói tới người cô, người dì chưa nhiều lắm, mặc dù các cô, các dì là chứng nhân lịch sử qua các cuộc chiến tranh.

Bài thơ lời thề mùa đông của Bùi Hoàng Tám viết về một người cô, rất ngẫu nhiên, tôi cũng có một người cô như thế nên bài thơ của Bùi Hoàng Tám gây ấn tượng mạnh cho tôi. Hay hơn nữa, đó là một bài thơ lục bát, một thể thơ dù đã thấm vào hồn cốt dân tộc Việt, nhưng để có một bài thơ lục bát cho đúng điệu đã khó, huống gì một bài thơ lục bát hay để đời thì lại càng khó. Nhà thơ Bùi Hoàng Tám đã làm được việc đó; tôi cũng được biết thêm, đó là một bài thơ viết về cô, về dì được chon để dịch sang tiếng Anh đăng trên một tạp chí văn học hàng đầu của Mỹ.

Bốn câu thơ mở đầu bài thơ: Bắt đầu từ một mùa đông / chú tôi ra trận rồi không trở về / cũng từ một buổi chiều quê / cô tôi đã nhận lời thề mùa đông… Đó là một lời thề chân thật của một tình yêu đẹp đẽ, cao cả nhằm tăng thêm sức mạnh cho người lính khi phải xa người yêu ra trận để bảo vệ Tổ quốc.

Chắc chắc lời thề của người cô trong thơ Bùi Hoàng Tám với người yêu xuất phát từ lòng yêu nước quý hơn tình cảm riêng tư, nhưng đối với tôi, bốn câu thơ mở đầu ấy làm tôi nhớ tới một câu nói nổi tiếng của LaFontaine: “Hãy học suy nghĩ bằng trái tim và học cảm xúc bằng lý trí”.

Vâng! Chính người cô đã suy nghĩ bằng trái tim. Khi đất nước lâm nguy thì chuyện riêng tư tạm gác lại; và cảm xúc bằng lý trí thì đó là cảm xúc không được yếu mềm không chỉ của người phải ra trận mà cả người đang làm nhiệm vụ ở hậu phương. Đọc tiếp những câu thơ của nhà thơ Bùi Hoàng Tám không thể không xúc động: Cũng là nhận gái chưa chồng / Người còn hóa đá – cô không hóa gì! / Đá còn đợi bước thiên di / Còn con để bế, cô thì chịu không / Núi còn hòn vợ, hòn chồng / Cô tôi ôm nỗi chờ mong bạc đầu…

Để thực hiên lời thề, người cô đã kìm nén nổi đau đến sắt đá cũng phải nể phục. Vấn đề đáng nói ở đây, chính là cái đẹp của nỗi đau, và chính nó cũng là cốt lõi của văn học.

Từ thế hệ người cha, người chú ra trận, đến thế hệ người con, người cháu ra trận, người cô trong bài thơ Lời thề mùa đông của nhà thơ Bùi Hoàng Tám đều chứng kiến và cô luôn luôn là người tiếp thêm sức mạnh để làm nên chiến thắng đánh đuổi ngọai xâm. Bốn câu kết của bài thơ không những làm ta xúc động hơn mà Bùi Hoàng Tám đã chứng minh được, thơ thường là ký ức của những biến cố lịch sử. Lịch sử để lại những chấn động trong tâm hồn và từ đó gọi ra thơ:

Cái ngày tôi bước qua cầu

Cô không khóc bởi sợ nhàu áo tôi

Bây giờ cô đã về trời

Lạy cô, lạy cả một trời mùa đông!