“Chiều về trên sông Dinh” Một bài thơ tình da diết

(NTO) Khi đọc tựa bài thơ "Chiều về trên sông Dinh" của Trần Văn Nghĩa, tôi cứ nghĩ tác giả sẽ tả về một dòng sông quen thuộc và không ít thơ mộng của Phan Rang, của Ninh Thuận, hóa ra không phải, mà nó lại là một bài thơ tình hay.

Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa thì bài thơ chưa được một vốc chữ. Nếu có tãi ra bàn tay thì nó cũng chưa phủ kín. Thế nhưng nội dung chuyển tải của nó thì không hề nhỏ tí nào. Đặc biệt cái tình của nó đã phủ kín buổi chiều bên bờ sông Dinh:

Sông Dinh. Ảnh: Sơn Ngọc

“Dáng chiều nghiêng gió sông Dinh

Anh qua xao động bóng tình mười năm”

Thời gian là buổi chiều, không gian là Sông Dinh, cộng vào nhau sao mà da diết thế. Nó lại được tô điểm thêm bằng những làn gió thoảng nhẹ. Đi giữa cái không gian, thời gian đó là một nhà thơ. Một nhà thơ đa tình đang đi tìm lại mối tình mười năm được xây đắp bên bờ sông Dinh. Chỉ chừng ấy thôi, người đọc cũng đủ biết mối tình lãng mạn, da diết biết ngần nào: “Anh qua xao động bóng tình mười năm”. “Bóng tình mười năm” làm nhà thơ xao động hay chính cảnh vật nơi đây gợi lại “bóng tình mười năm” của thi sĩ. Lúc đầu tôi nghĩ: Tại sao không phải bóng hình mà lại bóng tình?, sau mới thấy dùng từ “Bóng tình” hay hơn, đắt hơn. Bóng hình nặng về hình hài, về hình ảnh cụ thể, còn bóng tình nặng về tinh thần, về tình cảm, mà những điều thuộc về tinh thần, tình cảm thường bền chặt và gìn giữ mãi mãi. Cho nên câu thơ này tác giả không chỉ viết cho mình mà còn viết cho cả những chàng trai, cô gái đã thêu dệt tình yêu bên bờ sông Dinh đầy lãng mạn.

“Xa quê em đã theo chồng

Bến xưa nước vẫn xanh dòng đợi ai”

Câu thơ như một lời trách cứ: “Em đã theo chồng” không biết tác giả đang trách mình hay trách người yêu? Do người yêu dứt áo ra đi tìm một tiếng gọi khác, hay do mình không đủ sức níu kéo mối tình mười năm? Lời trách qua mau để nỗi da diết, tình cảm xưa ập lại: Bến xưa nước vẫn xanh dòng đợi ai”. Nỗi nhớ, tình cảm lại được gửi trong một câu hỏi: “Đợi ai ?”. Chẳng biết người yêu mười năm mượn dòng sông xanh gửi gắm tình cảm để chờ đợi người yêu, hay chính chàng thi sĩ đa tình kia gửi tình vào dòng xanh sông Dinh để gửi thông điệp cho “bóng tình mười năm” xưa? Có lẽ cả hai, vì thế ta mới hiểu hết được ý nghĩa của cái: “bóng tình” mà tác giả nói đến.

Bài thơ tình chỉ có 4 câu nhưng có sức ám ảnh người đọc kỳ lạ. Những ai đã sống, đã yêu bên dòng sông Dinh lại phải mượn bài thơ của Trần Văn Nghĩa mỗi khi nhớ về mối tình xưa. Có lẽ đó là thành công của bài thơ, mặc dù có thể bài thơ này tác giả chỉ làm riêng cho mình.