CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Lan man vỉa hè

(NTO) Trong một lần "trà dư tửu hậu" tại quán cóc nơi góc phố vắng, nhìn lề đường trước mặt, ông bạn tôi- đang làm sếp phòng Quản lý Đô thị của một thành phố loại 2 rên rỉ: Không biết đến thuở nào mới “trả lại tên em”, chứ nay, tháng nào giao ban cũng bị “sếp trên” la rầy quá cỡ, chịu không nổi… Nghe mà chạnh lòng ghê gớm!

Trong các đô thị, hễ có đường là có… lề đường (đôi khi ta còn gọi là vỉa hè). Ai cũng thừa biết rằng, lòng đường và lề đường là hai bộ phận… riêng biệt để cấu thành con đường và chắc chắn một điều là lề đường là để dành riêng cho người đi bộ, chứ không lợi dụng lung tung chuyện khác được. Dựa vào quy mô và thời điểm quy hoạch, vỉa hè to hay nhỏ là tuỳ… điều kiện lúc đó, 2 hoặc 4 hay 6 mét gì gì… cũng đều được cả (?). Tôi dạng “thù dai nhớ lâu” nên không thể nhầm lẫn được. Năm 1962, đường Thống Nhất của thành phố ta, kéo dài từ bến xe (cũ) đến chợ Phan Rang, quy hoạch thời…Pháp để lại, lúc đó vỉa hè mỗi bên đường rộng 3-4 mét, như hiện trạng trước Ủy ban nhân dân tỉnh bây giờ. Năm đó, tôi mới vào lớp một, đi học từ nhà (bến xe cũ) vào trường Nam (nay là trường Trung học Cơ sở Lý Tự Trọng), cứ trên vỉa hè thênh thang thẳng bước mà không gặp phải một chướng ngại nào buộc phải xuống… lòng đường cả.

Lấn chiếm vỉa hè làm nơi mua bán trên đường Lê Hồng Phong. Ảnh: Sơn Ngọc

Thế nhưng do tình trạng quản lý lỏng lẻo, cứ để người dân tha hồ lấn chiếm, cơi nới… Cho nên, qua thời gian, lề đường có nơi chỉ còn chưa đến 1 mét. Nhìn vào thực tại, eo ơi thấy mà ớn! Thử làm một chuyến… vi hành các con đường nội thành như Thống Nhất, Ngô Gia Tự, Lê Lợi, Hải Thượng Lãn Ông, Ngô Quyền, 21 Tháng 8… xem sao nhé? Bây giờ, nhìn chung vỉa hè không phải là chỗ dành cho người đi bộ nữa rồi, mà là nơi để cho người ta mưu sinh. Đó là nơi phục vụ cho “nền kinh tế mặt tiền” như bày bán hàng, chỗ để xe khách, đặt bảng quảng cáo... Mỗi nhà “mặt tiền” cứ coi vỉa hè trước nhà là “của mình” nên tuỳ nghi sử dụng mà không phải… sợ ai cả, khi có đợt chỉnh trang thì dẹp dọn, lui vào chút, xong rồi thì…” nguyễn y vân”. Rõ ràng là vỉa hè đã bị lấn chiếm và người bộ hành không còn thoải mái đi lại mà có khi phải bị “lọt” xuống lòng đường, tai nạn như chơi!

Tuy nhiên, “nói đi cũng phải nói lại”, vì cuộc sống của một bộ phận cư dân đô thị, buộc phải “buôn gánh bán bưng” thì tình trạng lấn chiếm lề đường khó mà tránh khỏi. Lề đường là một phần quan trọng của đời sống và bản sắc đô thị, thế nên hỗ trợ cho nền “kinh tế vỉa hè” giúp cư dân thành thị mưu sinh nên mà còn cần thiết để tạo bộ mặt sinh động của đời sống xã hội. Tuy vậy, trong suốt một thời gian dài, người ta cứ để cho nó phát triển tự do như tình trạng sử dụng lộn xộn, tuỳ tiện lấn chiếm, đào đắp vô tội vạ… dẫn đến những hệ luỵ không đáng có. Vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý là không nên để nền “kinh tế vỉa hè” phát triển tràn lan mà phải quy hoạch, phát triển đúng chỗ của nó, lúc đó nền “kinh tế vỉa hè” mới có tác dụng tốt.

Để phát triển một đô thị hiện đại, thân thiện, thì cần phải thấy được mặt trái của “kinh tế vỉa hè” là mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tình trạng bát nháo, thiếu văn minh và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ như mất an toàn giao thông, an ninh trật tự, cảnh quang môi trường… Thành phố đã có những đợt chỉnh trang và quản lý trực tiếp là công việc của các phòng, ban chức năng. Vậy thì công tác quản lý cần phải được quan tâm làm tốt hơn nữa để vỉa hè thông thoáng, thực hiện đúng chức năng như “quy ước” xã hội đã khẳng định!.