Mùa gặt

(NTO) Mùa gặt chính là thời điểm rộn ràng nhất ở quê tôi. Đi đến đâu cũng thấy màu vàng rộm của lúa. Hương lúa mới nồng đượm buổi sáng sẽ chuyển sang mùi ngai ngái đặc quánh vào buổi chiều, ấy là khi các chủ ruộng đốt đồng, khói rạ vẽ lên bức họa đồng quê nét thanh bình, đẹp đến nao lòng.

Là địa phương “sở hữu” cánh đồng rộng thênh thang, người dân quê tôi gắn bó với cây lúa từ lâu đời. Bao thế hệ đã nối tiếp nhau được sinh ra, lớn lên bên dòng kênh Nam, gắn tuổi thơ với đồng lúa, để sau này đi xa mãi khắc khoải nhớ về. Quê hương đọng lại trong mỗi người bằng những ký ức êm đềm bên cánh đồng biết “đổi màu”, biến mồ hôi thành nụ cười, biến những mầm xanh trên đất thành lúa, thành gạo.

 
Ảnh minh họa.

Nhìn những chiếc máy gặt đập liên hợp kéo nhau ra đồng, chiếc công nông chở những bao lúa nặng trĩu, tấp nập sân phơi, tôi chợt nhớ về mùa gặt cách đây hơn chục năm về trước. Lúc ấy, mùa gặt còn kéo dài từ một đến hai tháng, không chỉ bởi lịch gieo cấy giữa các xứ đồng có thời gian giãn cách khá xa nhau mà còn bởi vì khi ấy, việc thu hoạch lúa vẫn chủ yếu dựa vào sức người.

Gặt lúa từng là một nghề. Những người đi gặt tập hợp lại thành từng nhóm từ 10 đến 20 người, gọi là “bầu gặt”. Người đứng đầu mỗi “bầu” chịu trách nhiệm thông báo lịch gặt, thỏa thuận giá cả công cán với chủ ruộng, chia tiền công cho anh em trong “bầu”,... người ấy được gọi là “ông bầu”. Người ta thường lấy tên “ông bầu” làm tên của “bầu”, tạo thành những cái tên dân dã, dễ nhớ như “bầu ông Hai Chẻo”, “bầu ông Sáu Tân”... Các thành viên trong “bầu gặt” được gọi là “bạn gặt”. Sau khi cắt lúa, bó lúa, họ sẽ gánh lúa đến nơi tập kết. Tùy vị trí của ruộng mà đoạn đường gánh lúa xa gần khác nhau. Công việc nặng nhọc như vậy nên phải là người có thể lực cực tốt, dẻo dai và sử dụng thành thạo “lưỡi liềm” mới vào “bầu” được. Lẽ tất nhiên, số lượng phụ nữ trong các “bầu gặt” rất hạn chế, nếu có thì đó cũng là những chị, những cô đặc biệt khỏe, chịu được việc cúi rạp người suốt ngày để cắt lúa. Với tôi, những người bạn gặt là những “nghệ sỹ” trên ruộng đồng… Họ vừa làm vừa trò chuyện, hát hò, cười đùa, như không để ý đến nỗi mệt nhọc đang thấm đẫm mồ hôi. Nhiều khi, họ còn gặt vào cả những đêm trăng sáng, tới 9, 10 giờ tối mới nghỉ, có khi thì đi gặt từ 4 giờ sáng, lúc trăng cuối tháng còn tỏ. Và khi gặt hết đồng, có “bầu” tạm thời giải tán để mùa sau hợp lại, cũng có bầu đi sang xứ đồng khác, thậm chí đi ra ngoài tỉnh, để hoạt động.

Sự xuất hiện của chiếc máy gặt đập liên hợp cùng với các dự án, mô hình trên cây lúa và đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nên một cuộc biến đổi trên cánh đồng lúa quê hương tôi. Cơ giới hóa trong sản xuất đã hạn chế đáng kể công sức lao động của nông dân. Toàn bộ các khâu từ làm đất, gieo sạ, đến thu hoạch,... đều có máy móc, công cụ hỗ trợ. Mùa gặt nay chỉ còn kéo dài từ 7-10 ngày. Với công suất hoạt động hiệu quả, chỉ cần 3 - 4 chiếc máy gặt đập liên hợp là có thể thu hoạch một xứ đồng cả trăm ha trong 1 - 2 ngày, trong khi với sức người thì phải mất từ 2 - 3 tuần. Vì vậy mà lịch xuống giống giữa các xứ đồng được đề ra và thực hiện rất nghiêm túc, đảm bảo khi thu hoạch có thể “cuốn chiếu” từ đồng này sang đồng khác một cách vừa vặn với thời điểm lúa đạt độ chín thích hợp. Các công trình nông thôn mới như kiên cố hóa đường giao thông nội đồng, cải tạo kênh mương,... càng hỗ trợ tích cực cho sản xuất. Xe cộ, máy móc tấp nập trên cánh đồng lúa vàng chứng tỏ nông dân bây giờ không còn “hai lúa” như trước đây. Họ đã biết áp dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Giấc mơ “cánh đồng mẫu lớn” sẽ ngày càng gần với bà con quê tôi.