Tiếp sức cho nông dân sản xuất vụ mùa

(NTO) Vụ mùa năm nay, việc triển khai có hiệu quả chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây chịu hạn, gắn với liên kết sản xuất có ý nghĩa quan trọng, tạo đà hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.

Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, sở đã thống nhất với các huyện, thành phố về kế hoạch chuyển đổi cây trồng theo hướng bền vững. Theo đó, sẽ tập trung hỗ trợ giống cho nông dân chuyển đổi 840ha đất lúa sang trồng bắp, cỏ chăn nuôi; hỗ trợ giống để tái sản xuất sau hạn hán với diện tích 1.750ha. Ngành đã tiếp nhận 30 tấn bắp lai VN10 từ nguồn giống hỗ trợ của Bộ NN&PTNN phân bổ cho các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế chuyển giao cho nông dân tổ chức sản xuất.

Nông dân Ninh Phước làm đất chuẩn bị xuống giống vụ mùa 2015.

Việc bố trí cơ cấu cây trồng vụ mùa do đó có sự chuyển dịch theo hướng giảm diện tích lúa, tăng diện tích cây màu. Dự kiến tổng diện tích gieo trồng vụ mùa là 22.494ha; trong đó, cây lúa 11.372ha (giảm 189ha so với vụ hè-thu); cây bắp 5.584ha (tăng 1.651ha so với vụ hè-thu). Diện tích cây bắp không những tăng mạnh trong vụ này, mà còn xếp vào nhóm cây chủ lực cần tạo bước thay đổi canh tác. Thời điểm hiện nay, cùng với việc cấp phát giống chuyển đổi đất lúa sang trồng bắp, các địa phương cũng đã tiến hành xây dựng vùng sản xuất ổn định, quy mô tập trung để hưởng chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng chủ lực của tỉnh. Theo Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 2-2-2015 của UBND tỉnh ban hành Đề án về chính sách hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, vùng trồng bắp quy mô 50ha ở đồng bằng, 20ha ở miền núi sẽ được hỗ trợ từ 30%-40% về giá trị giống. Các mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa quy mô 100ha, rau an toàn quy mô 5ha… cũng được hưởng mức hỗ trợ tương tự. Nhờ có chính sách ưu đãi về hỗ trợ giống đã khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, liên kết thực hiện mô hình “cánh đồng lớn” lan tỏa rộng khắp, đây là nét chuyển biến tích cực ở vụ mùa.

Ghi nhận của chúng tôi, ngoài các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Phước… đã làm tốt công tác chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây chịu hạn ở vụ trước, đến vụ này có thêm huyện Thuận Nam cũng đang rốt ráo thực hiện kế hoạch chuyển đổi. Đồng chí Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, cho biết: Địa phương chịu ảnh hưởng nặng của hạn hán, vụ hè-thu các xã Phước Nam, Phước Ninh, Nhị Hà đã chuyển đổi thành công 78ha đất lúa sang trồng bắp và rau đậu các loại. Ở vụ mùa này, quy mô chuyển đổi rộng hơn, tăng lên 120ha. Nhờ tổ chức cấp phát giống hỗ trợ kịp thời, nên đến nay ở các vùng chuyển đổi cơ bản đã hoàn thành việc xuống giống.

Hỗ trợ “đầu vào” cho nông dân chuyển đổi cây trồng là rất quan trọng, vấn đề hỗ trợ tìm kiếm “đầu ra” cho mặt hàng nông sản mới là yếu tố đảm bảo sản xuất bền vững. Chương trình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm thời gian qua đạt được kết quả khả quan, đang được duy trì và phát triển sâu rộng hơn trong vụ mùa. Theo báo cáo của Sở NN&PTNN, kết quả liên kết sản xuất lúa giống, bắp giống trong vụ đông-xuân và vụ hè-thu 2015 là 1.909ha, sản lượng doanh nghiệp bao tiêu 12.453 tấn, với giá cao hơn từ 12-15% so với thị trường, giúp người sản xuất có thu nhập khá. Trong vụ mùa, các đơn vị sản xuất giống cây trồng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức liên kết với các địa phương để thực hiện mô hình sản xuất giống cây trồng, gắn với việc xây dựng cánh đồng lớn. Vấn đề còn lại mà ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đang làm là hỗ trợ nông dân tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm bắp thương phẩm thông qua ký kết cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc.