DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Những hiệu quả tích cực của Dự án Hỗ trợ Tam nông ở Ninh Sơn

(NTO) Qua hơn 4 năm thực hiện, Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) huyện Ninh Sơn được triển khai tại 6 xã: Mỹ Sơn, Quảng Sơn, Ma Nới, Hòa Sơn, Lương Sơn và Lâm Sơn đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế vùng nông thôn tại địa phương.

Theo đánh giá của Ban Hỗ trợ Kinh doanh (DASU) huyện, đa số các hợp phần và tiểu hợp phần của dự án khi triển khai về địa phương cơ bản được thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra. Đến thời điểm hiện nay, nhiều tiểu hợp phần đã mang lại hiệu quả rất lớn cho người dân trong vùng khi tham gia. Đặc biệt, việc triển khai kịp thời và đồng bộ một số tiểu hợp phần quan trọng thuộc các Hợp phần 2 (Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo) và Hợp phần 3 (Xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH có sự tham gia theo định hướng thị trường) đã tác động tích cực đến sự chuyển đổi về nhiều mặt trong việc phát triển kinh tế các xã nằm trong vùng dự án.

Nhóm nuôi dê - hướng phát triển kinh tế cho hộ nghèo ở thôn Phú Thạnh (xã Mỹ Sơn).

Trong Hợp phần Phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo, đến nay Ninh Sơn đã xác định được các chuỗi giá trị chiến lược và tiềm năng trên địa bàn, là: Bò, chuối, bắp, mía, mì, dê, cừu, heo… Tính đến nay, trên 6 xã vùng dự án của huyện đã thành lập được 100 nhóm cùng sở thích, trong đó có 50 nhóm bò, 12 nhóm mì, 7 nhóm chuối, 7 nhóm bắp, 7 nhóm mía, 4 nhóm lúa, 4 nhóm dê, 3 nhóm heo, 3 nhóm gà, 1 nhóm táo, 1 nhóm cừu, 1 nhóm đậu xanh. Tổng số thành viên tham gia là 928 người, trong đó phụ nữ 283 người, chiếm 30,5%; hộ nghèo và cận nghèo 624 hộ (chiếm 62,4%); dân tộc thiểu số 369 hộ (chiếm 39,8%). Đến nay, dự án thực hiện phát triển các chuỗi giá trị đã có bước tiến triển đáng kể, một số chuỗi giá trị như: Bắp, lúa, bò và chuối đã hình thành được mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nông dân), qua đó giúp ổn định đầu ra và tăng thu nhập của các tổ nhóm. Bên cạnh đó, hầu hết các nhóm còn nhận được sự hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật từ các nguồn quỹ CSG, CBG, Quỹ Tiết kiệm tín dụng phụ nữ nên các sản phẩm khi tham gia vào chuỗi giá trị được tiêu thụ thuận lợi hơn, với giá cả cao hơn. Đặc biệt, việc đổi mới và điều chỉnh công tác tập huấn, đào tạo nghề cho các nhóm chung sở thích theo hướng gắn với thực hành hiện trường, nên kiến thức truyền đạt cho người dân thực tế hơn và áp dụng vào sản xuất tốt hơn, từ đó giúp tăng cao chuỗi giá trị con giống, vật nuôi của nhóm. Qua đánh giá, có khoảng 50% tổ nhóm chung sở thích tham gia vào chuỗi giá trị, các thành viên đều có thu nhập tăng từ 10- 25% sau khi được tham gia dự án.

Đối với hạ tầng cơ sở, riêng trong năm 2013 và 2014 từ sự hỗ trợ của dự án, huyện Ninh Sơn đã hoàn thành 21 công trình phục vụ phát triển chuỗi giá trị bắp, lúa, mì, mía và bò. Trong đó 16 công trình xây dựng nâng cấp đường giao thông, với tổng chiều dài hơn 9,2 km được cứng hóa; 3 công trình kiên cố kênh mương, với tổng chiều dài 673m; 2 chợ với tổng diện tích hơn 2.700 m²; tổng số người dân được hưởng lợi từ các công trình này là trên 6.000 hộ. Qua khảo sát và đánh giá của DASU huyện, hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ dân sinh, 100% người hưởng lợi đều hài lòng về sự hỗ trợ hạ tầng sản xuất của dự án.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, Dự án HTTN đến nay đã và đang mang lại hiệu quả tích cực cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Các chuỗi giá trị trong nông nghiệp được hình thành và phát triển đúng với thế mạnh của địa phương, tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng cao từ người dân khi triển khai. Nhiệm vụ trọng tâm của DASU huyện là tiếp tục thúc đẩy sáng kiến kinh doanh vì người nghèo thông qua hỗ trợ của Quỹ Tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh (CSG), Quỹ Cạnh tranh doanh nghiệp (CBG), Quỹ Tiết kiệm tín dụng phụ nữ. Đồng thời địa phương cũng sẽ đẩy mạnh hơn trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động để kết nối nhóm sở thích với doanh nghiệp, thương lái. Tạo cơ hội xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường cho sản phẩm cũng như nâng cao năng lực hoạt động cho các nhóm sở thích. Qua đó nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sản phẩm đầu ra của các nhóm, tăng thu nhập cho người dân hướng tới mục tiêu thoát nghèo.

KỸ THUẬT TRỒNG NHA ĐAM

Nha đam là loại cây trồng cạn, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khô hạn và có số giờ nắng cao của tỉnh ta. Cần chọn đất cao ráo, thoáng xốp, tốt nhất là đất pha cát dễ thoát nước. Làm đất, lên luống cao 20cm. Lượng cây giống cần 30.000 – 50.000 cây/ha, mật độ trồng 80cm x 40cm. Lượng phân bón cần cho 1ha là 25 tấn phân chuồng, 400 – 500kg NPK. Thực hiện tưới 3-5 ngày/lần. Thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý phù hợp. Sau 6 tháng, cây nha đam có thể cho thu hoạch.