DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Ninh Phước: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Tam nông

(NTO) Với giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm trên 45% cơ cấu ngành và hơn 70% dân số là nông dân, huyện Ninh Phước đã xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là hướng đi chủ lực và bền vững cho kinh tế huyện nhà. Để tăng thu nhập cho người dân, tranh thủ nguồn lực từ Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, huyện Ninh Phước chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả và coi đó là nhân tố hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới.

Được triển khai từ giữa năm 2011, đến nay vùng Dự án HTTN huyện Ninh Phước bao gồm 3 xã Phước Vinh, Phước Thái và An Hải đang tạo ra những hiệu ứng tích cực. Theo hướng cải thiện một cách bền vững chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình ở nông thôn như mục tiêu tổng thể của dự án đề ra, Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện Ninh Phước đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hợp phần của dự án.

Nông dân mở rộng diện tích trồng táo.Ảnh: Uyên Thu

Từ 6 chuỗi giá trị (táo, nho, tỏi, bò, dê, cừu) được Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh phân tích, đánh giá và nâng cấp ban đầu, DASU Ninh Phước đã xác định thế mạnh chuỗi giá trị sản phẩm cụ thể từng xã, kể cả của từng thôn, qua đó lựa chọn thêm các chuỗi giá trị sản phẩm phù hợp là lúa, bắp, gà và măng tây xanh. Tính từ năm 2013 đến nay, Ninh Phước đã thành lập tại 3 xã vùng dự án được 73 nhóm đồng sở thích (có chung lợi ích) bao gồm 9 nhóm chăn nuôi bò, 15 nhóm chăn nuôi dê, 19 nhóm chăn nuôi cừu, 4 nhóm trồng lúa, 6 nhóm trồng bắp, 2 nhóm trồng nho, 7 nhóm nuôi gà, 7 nhóm trồng táo, 1 nhóm tỏi và 3 nhóm trồng măng tây xanh, so với cùng kỳ năm trước, đã tăng thêm 46 nhóm đồng sở thích.

Anh Đàng Năng Tom, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban DASU huyện Ninh Phước cho biết: Trong tháng 7, DASU đã triển khai 2 hoạt động, đó là mở lớp tập huấn cho cán bộ thôn, xã trong, ngoài dự án về lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (MOP-SEDP) và giúp 3 xã vùng dự án xây dựng kế hoạch trên, nâng tổng số triển khai từ đầu năm đến nay lên 5 hoạt động. Nhằm triển khai tốt công tác lập kế hoạch MOP-SEDP, huyện đã hỗ trợ các thôn của 3 xã trong vùng dự án tổ chức lấy ý kiến về nhu cầu cho kế hoạch năm 2016. Theo đánh giá của DASU Ninh Phước, các hoạt động triển khai năm qua và từ đầu năm đến nay đã tác động phát triển các chuỗi giá trị vì người nghèo. Cụ thể từ vốn Quỹ CSG (Quỹ tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh), các nhóm trúng tuyển CSG đã được chuyển 50% tiền trong đợt 1 và đã được DASU huyện trực tiếp xuống hướng dẫn mua sắm vật tư, chi phí cho nhóm. Từ tháng 7, DASU tiếp tục triển khai thông báo kêu gọi các nhóm đăng ký xét tuyển Quỹ CSG vòng 2 nhằm tranh thủ vốn đầu tư phát triển chuỗi giá trị.

Về công trình hạ tầng, tính đến tháng 7, từ nguồn vốn Quỹ CDF (Quỹ Phát triển cộng đồng), DASU Ninh Phước đã thi công xong sân phơi thôn Hoài Ni (Phước Thái) và đang chuẩn bị triển khai thi công 2 công trình đường giao thông nội đồng ở các xã An Hải và Phước Vinh. Ngoài ra còn bổ sung xây dựng công trình chợ, đường giao thông nội đồng ở xã Phước Thái và công trình đường giao thông nội đồng tại xã An Hải, cả 3 công trình đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục. Cũng trong tháng 7, Ban Phát triển các xã đã thành lập thêm 4 nhóm đồng sở thích gồm: Nhóm nuôi dê sinh sản (An Hải), nhóm nuôi cừu vỗ béo (Phước Thái), nhóm trồng bắp và nhóm nuôi cừu vỗ béo (Phước Vinh). Hiện nay DASU Ninh Phước đang phối hợp với Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh, các Ban Phát triển xã trong huyện triển khai các hoạt động của dự án theo kế hoạch năm 2015; tiếp tục giải ngân Quỹ CSG đợt 1 (lần 2) và hoàn thiện hồ sơ Quỹ CSG để đưa ra hội đồng xét tuyển đợt 2.

Theo anh Đàng Năng Tom, DASU Ninh Phước đang chú trọng triển khai hoạt động về kết nối thị trường cho các chuỗi giá trị nhằm tăng cơ hội cho hộ gia đình nghèo trong vùng dự án huyện. Đồng thời để đẩy nhanh tiến độ hiện thực hoá các mục tiêu của Dự án HTTN, DASU Ninh Phước đang phối hợp các Ban Phát triển xã hỗ trợ các nhóm xây dựng đề xuất Quỹ CSG vòng 2 và hỗ trợ các nhóm đồng sở thích theo hạng mục Quỹ CDF, xúc tiến trình kế hoạch dự toán cho huyện phê duyệt, hướng tới xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, làm cho người dân vùng dự án được hưởng lợi nhiều hơn.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc đậu xanh

Đậu xanh là loại sinh trưởng và phát triển nhanh, thích ứng với điều kiện khô hạn của tỉnh ta. Đậu xanh trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, tơi xốp, thoát nước tốt. Làm đất, lên luống rộng 1,5-2m, sâu 25cm. Dùng các giống cao sản: DX 208, V87, V123. Lượng giống cần cho 1ha từ 20-25kg, khoảng cách 50cm x 20cm x 2 cây/hốc. Lượng phân bón cần cho 1ha là 10-20 tấn phân chuồng, 200-300kg lân, 50-80kg urê, 100-120kg kali. Đậu xanh là cây chịu hạn tốt nhưng phải giữ ẩm thích hợp để cây phát triển tốt. Thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại đậu để có biện pháp xử lý phù hợp. Sau 65-92 ngày, đậu có thể cho thu hoạch. Cần thu hoạch đậu vào buổi chiều để giảm tỷ lệ hao hụt.