Nhân 70 năm truyền thống ngành Văn hóa (28/8/1945-28/8/2015)

Một chặng đường và tiếp nối truyền thống

(NTO) Lần đầu tiên ngành Văn hóa tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (28/8/1945 - 28/8/2015) nhằm ôn lại những chặng đường vẻ vang xây dựng và phát triển qua nhiều lớp thế hệ nối tiếp nhau.

Lớp thế hệ đầu tiên trưởng thành trong kháng chiến. Tiếp theo là những người được rèn luyện, trưởng thành trong thời bình, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, lịch sử dân tộc bước sang trang mới. Chặng đường đã 40 năm, những người thuộc thế hệ này đã và chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu. Rồi tiếp nay là những thế hệ đang bổ sung dồi dào cho nguồn nhân lực không ngừng phát triển của ngành với những sinh khí mới, đòi hỏi mới, yêu cầu mới. Sự tiếp nối đó là tất yếu và cũng rất đỗi tự hào cho sự phát triển mỗi ngày một lớn mạnh của ngành Văn hóa nói chung, gắn liền với những chặng đường phát triển của đất nước.

Còn nhớ những ngày đầu giải phóng với muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng ngập tràn niềm tin, lý tưởng cách mạng. Lớp người mới đã được giáo dục, rèn luyện, trang bị những kiến thức và tinh thần, ý chí của người chiến sĩ văn hóa cách mạng với tư tưởng thấm nhuần: “Văn hóa là một mặt trận”. Đó là cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tích cực và tiêu cực… Cuộc đấu tranh cho sự nghiệp xây dựng văn hóa không gì khác hơn là xây dựng con người mới, con người đạo đức cách mạng. Bởi con người là trung tâm cho mọi cuộc xây dựng, trong đó có xây dựng môi trường văn hóa; đời sống văn hóa; làng, bản, khu phố, khu dân cư văn hóa; cơ quan, đơn vị, công sở văn hóa, gia đình văn hóa… Chúng ta có Đề cương Văn hóa 1943 làm cương lĩnh chỉ đường mà Bác Hồ đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” nêu rõ vai trò, vị trí và sức mạnh của văn hóa, đó chính là sức mạnh vô địch của tinh thần, ý chí cách mạng. Sau đó là nhiều Nghị quyết của Đảng mà đặc biệt là Nghị quyết TW 5 (khóa VIII), Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về văn hóa xác định “Văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển của xã hội” và gần đây nhất là Nghị quyết 33, Hội nghị TW lần thứ 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Những phong trào nối tiếp phong trào, thay cho “Tiếng hát át tiếng bom” trong thời chiến vẫn dấy lên tinh thần bừng bừng khí thế với phong trào đội ca khúc chính trị, nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng, đội thông tin tuyên truyền lưu động, đội chiếu bóng lưu động, đội văn nghệ thông tin lưu động, tủ sách lưu động, trưng bày lưu động… Tất cả đều hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân qua các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể về nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo văn hóa cho Nhân dân trong chương trình “Đưa văn hóa thông tin về cơ sở”; chương trình “Xây” đi đôi với “Chống” làm lành mạnh môi trường văn hóa. Bên cạnh đó, có những chương trình khác dài hơi, chiến lược, đi vào chiều sâu hơn ở cấp quốc gia nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, thể hiện sự nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò, vị trí của văn hóa. Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa qua các thời kỳ là những đội viên, diễn viên, tuyên truyền viên, hướng dẫn viên, phương pháp viên, bảo tàng viên, thư viện viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, chuyên viên… từ lãnh đạo đến nhân viên đều một lòng vì sự nghiệp chung-sự nghiệp văn hóa dân tộc.

Thế hệ hôm nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong học tập, lao động, với hệ thống quản lý đồng bộ hơn, văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ hơn, đào tạo bài bản, chuyên sâu hơn… Nhưng mặt khác cũng chịu áp lực, thử thách, với đòi hỏi đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới cao hơn. Với truyền thống 70 năm của ngành Văn hóa, chúng ta càng tự hào để tiếp nối sự nghiệp vẻ vang-sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới.