Cần tiếp tục đề cao và phát huy tính nhân đạo trong chính sách hình sự khi sửa đổi Bộ luật Hình sự

(NTO) Sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống với tinh thần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền cơ bản của công dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Vấn đề đề cao và phát huy tính nhân đạo, quan điểm vì con người, đảm bảo tính văn minh, tiến bộ, phù hợp với xu thế hội nhập theo đường lối, chính sách của Đảng được xuyên suốt trong chính sách hình sự đối với một số lĩnh vực, đối tượng được thể hiện trong Dự thảo BLHS (sửa đổi). Từ xưa đến nay, chúng ta có quan niệm cứ tội phạm nào xảy ra nhiều thì tăng hình phạt, muốn chống tội phạm cứ tăng hình phạt, cứ tử hình. Cho đến nay, khoa học hình sự chưa có cơ sở để khẳng định rằng việc tăng hình phạt, tăng phạt tù, tăng tử hình có làm giảm tội phạm, có phòng ngừa tội phạm hiệu quả hay không? Do đó, quan điểm đề cao tính nhân đạo, vì con người, đảm bảo văn minh, tiến bộ trong chính sách hình sự vẫn không làm giảm nhẹ tính nghiêm minh của pháp luật. Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị có tinh thần mới là yêu cầu tăng tính hướng thiện, tính nhân đạo của hệ thống hình phạt, giảm phạt tù, hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, tăng áp dụng việc thay thế các hình phạt không phải tù. Đây là vấn đề lớn cần phải quán triệt và thực hiện trong quá trình sửa đổi BLHS lần này. Một trong những vấn đề cần thực hiện theo tinh thần trên là việc hạn chế hình phạt tử hình, giảm mức án tử hình đối với người vi phạm trên một số tội danh. Tôi đồng tình cao việc giảm tội danh có quy định hình phạt tử hình, thu hẹp đối tượng bị áp dụng hình phạt tử hình, mở rộng những đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình, mở rộng đối tượng không bị thi hành án phạt tử hình. Dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này dự kiến sẽ tiếp tục loại bỏ hình phạt tử hình cho 7 tội danh trong số 22 tội danh của BLHS hiện hành; quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, với người từ 70 tuổi trở lên…; thu hẹp bớt phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên bằng các biện pháp thay thế không phải bị án tù nhằm tạo điều kiện để người phạm tội có cơ hội được giáo dục, sửa chữa trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội... Điều này thể hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về tính nhân văn, tính hướng thiện trong chính sách hình sự trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện quan điểm chỉ đạo trên, tôi đề nghị việc thể hiện chính sách hình sự trong BLHS (sửa đổi) sắp tới, một mặt vừa đảm bảo tính nhân đạo đối với người phạm tội, nhưng mặt khác không kém phần quan trọng là phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, thể hiện tính răn đe cao, đảm bảo hiệu quả của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay với nhiều loại tội phạm ngày càng tinh vi, nguy hiểm và phức tạp khó lường. Với tinh thần chính sách hình sự phải đảm bảo tính văn minh, phù hợp với xu thế hội nhập, đảm bảo thực hiện các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng cần tính đến hai loại quy phạm, đó là quy phạm tùy nghi, khuyến nghị và quy phạm bắt buộc. Việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh thuộc quy phạm tùy nghi, khuyến nghị, chẳng hạn tội cướp tài sản, tội phá hủy công trình, cơ sở quan trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, tội vận chuyển trái phép chất ma túy… cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh thể chế hóa các Điều ước quốc tế bằng mọi giá.

Việc thực hiện chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội cũng cần tính đến yếu tố tâm sinh lý của đối tượng này trong điều kiện các loại tội phạm do đối tượng này gây ra ngày càng tăng cả về số lượng, quy mô và tính chất nguy hiểm. Việc thu hẹp bớt phạm vi chịu trách nhiệm hình sự bằng áp dụng các biện pháp thay thế đối với đối tượng này nếu không tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và chặt chẽ sẽ dẫn đến hệ lụy là tội phạm trong người chưa thành niên ngày càng tăng, gây hậu quả khó lường và dễ bị lợi dụng để các loại tội phạm dựa vào đối tượng này làm nơi “nương náu” để phạm tội hầu trốn tránh sự xử lý của pháp luật.