Một số vấn đề về cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù có thời hạn

(NTO) Trong Dự thảo Bộ luật Hình sự, tại Điều 35 và Điều 36 có quy định về tạo cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền hoặc hình phạt cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù có thời hạn. Theo tôi, quy định trên là hoàn toàn mới và phù hợp không chỉ với điều kiện kinh tế, xã hội ở Việt Nam hiện nay, phù hợp với truyền thống nhân đạo của pháp luật hình sự (PLHS) Việt Nam, mà còn phù hợp với PLHS quốc tế và khu vực.

Chúng ta đều biết, nguyên tắc trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống PLHS ở Việt Nam hiện nay là phải thể chế hóa được các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể hóa Hiến pháp 2013, kế thừa và phát triển các giá trị trong hệ thống PLHS Việt Nam, điều chỉnh kịp thời các quan hệ PLHS mới nảy sinh, nhưng cũng bảo đảm tính dự báo cao của luật, phù hợp với thông lệ quốc tế trong điều kiện hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay và đặc biệt là các quy định của PLHS phải phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội.

Chúng ta đều thấy rõ, công cuộc đổi mới đất nước sau 30 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đời sống của đại bộ phận dân cư đã được cải thiện rõ nét nên trình độ dân trí trong xã hội đã được nâng lên.

Theo tinh thần Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp thì một trong số những định hướng lớn trong việc sửa đổi Bộ luật Hình sự là giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình thức phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số tội phạm. Đây là định hướng mang tính nhân đạo và phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội trong điều kiện trình độ dân trí chung đã được nâng lên. Theo đó, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã bổ sung hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ vào nhiều điều luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn thì hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ có tính khả thi không cao, hiệu quả kém. Vì thế phần nào đã làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, cần thiết bổ sung cơ chế chuyển hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp người bị kết án không thể chấp hành án để bảo đảm tăng tính răn đe, phòng ngừa của các hình phạt này, đồng thời cũng góp phần bảo đảm tính dự báo của luật.

Mặt khác, nếu không có quy định về cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn, trong trường hợp người bị kết án hình thức phạt tiền, nhưng do những lý do khách quan nào đó mà họ không thể chấp hành án phạt tiền đó được, thì sẽ phát sinh ra hai hậu quả: (1) Họ có thể sẽ bị truy tố về tội không chấp hành án, có nghĩa là có nguy cơ năng tội thêm, án chồng án; (2) thời gian thi hành án sẽ quá lâu và nếu để xử lý về tội không chấp hành án thì thời gian lại càng lâu hơn, làm mất thêm nhiều công sức, thời gian của các cơ quan liên quan.

Do đó, việc Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định cơ chế chuyển đổi trên, thì những người bị tuyên phạt các hình thức phạt tiền hay phạt cải tạo không giam giữ, mà sau một thời gian theo luật định nhưng không thể chấp hành án phạt, nhất là án phạt tiền vì những lý do khách quan, thì theo quy định của luật, họ sẽ được quy đổi thành hình phạt tù và chỉ phải chấp hành án phạt tù. Điều đó sẽ tránh được những hậu quả trên, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và phù hợp với PLHS của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Việc quy định cơ chế chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn như những phân tích trên là phù hợp trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam. Tuy nhiên, mặt trái của quy định này là nếu để việc chuyển đổi hình phạt xảy ra nhiều thì cũng làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, để khắc phục hạn chế đó thì đòi hỏi các cơ quan tư pháp, nhất là cơ quan xét xử cần cân nhắc, thận trọng trong việc tuyên phạt các hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ. Nói cách khác là các cơ quan tố tụng cần chú trọng nâng cao hơn nữa tính trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhất là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của các thành viên trong các Hội đồng xét xử để tuyên phạt khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội, tạo điều kiện cho việc thi hành án được hiệu quả.