Viết dưới vòm me

(NTO) Tôi chắc một điều những người sinh ra và lớn lên vùng Nam Trung Bộ không ai trong đời chưa một lần ăn món canh chua cá nấu với lá me non. Thật lạ, loài cây cổ thụ gắn bó với người Việt ta tự bao đời, nhất là người Nam Trung Bộ như là một người bạn thủy chung ngỡ thật giản dị mà lưu trong ta thật nhiều suy ngẫm.

Có lẽ nơi đây, trừ các loại hoa màu, lúa ngô, rau củ thì đứng sau loài tre và xương rồng có lẽ là cây me. Loài cây hiền lành, thân thiện và giản dị này quấn quýt con người đến nỗi ta chưa một lần để ý hay ngẫm ngợi về sự có mặt của chúng. Cây me hiện diện trong đời sống người miền Trung quê tôi như là món quà từ đất trời. Có lẽ ở những nơi khác, cây me cũng như bao nhiêu loài cây khác với giá trị cho gỗ, làm đẹp, che mát,… nhưng ở quê tôi, nó là đời sống, là nỗi nhớ quê của những người xa xứ.

Tuổi thanh niên tôi đã có những ngày tháng đạp chiếc xe đạp cũ kỹ vội vàng chạy dưới những hàng me đến giảng đường hay có những chiều lang thang dưới những con đường rợp xanh bóng me của Sài Gòn hơn ba mươi năm trước. Cũng đã đôi lần nghỉ chân nơi quán nhỏ dưới bóng me bên lề phố Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre… Vẫn những chiều “có lá me bay” mà Trịnh Công Sơn đã thổi lên khung nhạc của ông một hồn phố xá rất riêng “lá hát như mưa suốt con đường đi”. Đẹp. Lãng mạn và thi vị. Đó là loài me.

Vậy mà những không gian nên thơ và đáng yêu ở những nơi xa lạ của tháng ngày xa xưa ấy không đủ sức hấp dẫn để xóa nhòa trong tôi hình ảnh những hàng me, cây me quê nhà.

Ngày đó, phố Phan Rang hãy còn nhiều me. Những cây me cổ thụ đứng trong sân trường, trong công sở hay ngoài hè phố quanh năm không chờ một bàn tay chăm sóc mà vẫn âm thầm xanh tốt. Bây giờ qua phố, thỉnh thoảng bạn vẫn còn nhìn thấy màu xanh của vòm me. Ví như những gốc me cổ thụ có đến trăm năm vẫn còn sung mãn đứng bên hông Trường THCS Lý Tự Trọng, trước cổng Thư viện tỉnh. Nếu có dịp ra ngoại thành hay về các làng quê, bất kỳ nơi nào bạn cũng có thể nhìn thấy me. Khoảng tháng Giêng, me bắt đầu thay lá. Đó là thời điểm trong những cơn gió nồm đã thấy lác đác những chiếc lá bé xíu lìa cành. Không lâu đâu, chỉ vài hôm sau đó, cây trút lá ào ạt và nhanh chóng đến nỗi trong chừng dăm ngày, lá non đã phủ tràn, xanh mơn mởn. Bộ áo lá non của me xanh tươi đến nỗi khiến ta có cảm giác nhìn thấy mùa xuân quay trở lại. Những chồi, ngọn lá non xanh mướt mát ấy cũng rất ngon lành. Hái vài đọt non, ta nghe dìu dịu chua chua, hấp dẫn lắm. Bữa cơm thôn dã càng ấm cúng và thanh đạm với tô canh chua cá nấu với lá me non vừa hái sau nhà. Cái vị chua thanh, dìu dịu mà không gắt gỏng rất đặc biệt đó chỉ có ở lá me non hòa điệu cùng vị ngọt thơm của cá biển tươi, điểm xuyết chút the the của ớt, nồng nồng của hành tím và tất cả cuốn hút trong tô làm nên bữa cơm canh đạm bạc và chân tình.

Rồi mùa me chín. Bắt đầu là những trái me dốt treo lủng lẳng từng chùm. Lúc này, cơm me không còn chua loét mà đã chuyển sang vị bùi bùi, chua chua rất ngon miệng mà chỉ có ở loại trái này, một thứ mùi vị độc nhất vô nhị. Mươi hôm sau là me chín. Tôi nhớ tuổi học trò cũng đã từng chờ nhặt me chín rụng sân trường. Những năm tháng trở về với đồng đất quê nhà, những buổi trưa quạnh quẽ ghé sân đình nghỉ chân sau những giờ cày cuốc mới thấm thía về một bóng xanh cho kẻ độ đường.

Vậy đó, cây me như là hồn cốt quê nhà. Nó che bóng mát cho bầy con nít chơi bắn bi, đánh đáo, chơi ô ăn quan. Nó là bóng râm cho bạn già cùng nhâm nhi tách trà ngẫm ngợi về chuyện đối nhân xử thế. Nó là chút quà dung dị của cậu học trò dành cho người bạn áo dài. Nó còn làm nên đĩa mứt ngày xuân, ly nước giải nhiệt ngày hạ và chút khói bếp quê nhà những chiều đông xa ngái…

Ôi chao, là me, người bạn chung thủy quê mình.