Tác dụng phụ của công nghệ số

(NTO) Công nghệ số đi vào cuộc sống thường nhật của mỗi người, có thể nói nhà nhà dùng, người người sử dụng. Bên cạnh những lợi ích từ mạng internet, không thể không lưu tâm đến những hệ lụy khó kiểm soát được, đặc biệt là với trẻ em.

Ngày nay, việc tiếp cận với mạng internet đã trở nên vô cùng dễ dàng với các em nhỏ. Các bậc phụ huynh “đua” nhau sắm sửa cho con những thiết bị truy cập mạng để con “không thua chúng bạn”. Nhiều gia đình mua hẳn cho con điện thoại, ipad hay laptop để tiện việc học tập, tìm kiếm thông tin và giải trí.

Từ những trò chơi điện tử các bé tự mày mò, đến việc truy cập các trang mạng, nhiều em tỏ ra “rành” hơn cả người lớn. Chẳng nói đâu xa, cháu trai nhà tôi mới 6 tuổi mà đã được mẹ sắm cho chiếc ipad “để chơi”, rành đến nổi có lúc ông bà nội nhờ chỉnh dùm chuông điện thoại, cài hình nền, có khi còn mở nhạc và nói: “thể loại nhạc quê hương này mới phù hợp với ông bà nội”, với các thao tác rất chuẩn dù chưa đi học. Không ít người ngạc nhiên và khen “ giỏi”, nhưng khi khách đến chơi nhà thì không giỏi chút nào! Bạn của ông bà nội đến chơi, thằng bé chỉ “cắm mặt” vào cái ipad, nói chuyện hay cười cũng với ipad, có bảo đứng dậy chào ông hoặc bà thì nó cũng không rời mắt khỏi chiếc ipad, không nhìn vào người đối diện. Ngay cả những em mười lăm mười sáu tuổi, đi học về là vùi vào máy tính chơi điện tử, chát chít, chẳng phụ giúp việc nhà với mẹ cha.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của công nghệ số đối với cuộc sống ngày nay của chúng ta. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần có trách nhiệm dạy con trẻ bằng chính việc làm thiết thực hàng ngày, đặc biệt là những kỹ năng như: bơi lội, thể dục thể thao, văn hóa ứng xử,... Để trẻ có sức khỏe, tư duy lành mạnh, đúng lứa tuổi, cần có nền giáo dục toàn diện với sự góp sức rất lớn từ phía gia đình và nhà trường.