Giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

(NTO) Sau 4 năm (2011-2015) triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và lồng ghép các chương trình khác, đã góp phần giảm số hộ nghèo ở khu vực nông thôn tỉnh ta, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đảm bảo được an sinh xã hội. Người dân trong tỉnh, đặc biệt là nông dân đã từng bước phát huy vai trò chủ thể, tự nguyện hiến đất, góp công, góp của...trong quá trình phát triển và xây dựng NTM.

Chuyển biến mới về hạ tầng kinh tế-xã hội

Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM có thể thấy rõ qua việc đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội ở các vùng nông thôn trong tỉnh. Do nguồn vốn hạn chế, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, chủ yếu là công trình giao thông và kênh mương nội đồng. Trong giai đoạn 2011-2014, từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp chương trình 35,64 tỷ đồng, trong đó vốn Trái phiếu Chính phủ 25 tỷ đồng, các xã đã cứng hoá được 14,46 km đường trục thôn, đường ngõ xóm và đường nội đồng; kiên cố gần 7,63 km kênh mương cấp 2, 3; xây dựng một số phòng học, tường rào các trường tiểu học, mẫu giáo; nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế và xây dựng trụ sở UBND xã Công Hải (Thuận Bắc) và Phước Dinh (Thuận Nam). Ngoài ra trong năm 2013, từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và nguồn hỗ trợ của Vietcombank, các địa phương đã thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù, bê tông hóa gần 120 km đường ngõ xóm, trục thôn, đường nội đồng và 5 km kênh nội đồng với tổng vốn 53,4 tỷ đồng.

Bộ mặt nông thôn xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Văn Miên

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động lồng ghép các chương trình, dự án khác để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong quá trình triển khai, các xã đã làm tốt công tác huy động nguồn lực; công khai, minh bạch về quản lý và sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn đóng góp của Nhân dân. Người dân tham gia không chỉ trong thi công mà cả trong giám sát nên chất lượng công trình được đảm bảo, chi phí thấp. Đáng chú ý là trong thực hiện xây dựng NTM đã xuất hiện những điểm sáng mô hình hay, cách làm sáng tạo.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong thực tế vẫn còn đó những hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ. Đơn cử, dù hiện nay đã có 2 xã đạt chuẩn NTM là Thành Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm) và Tri Hải (Ninh Hải), song trong số 9 xã phấn đấu đạt chuẩn theo kế hoạch vào cuối năm nay, có 3 xã không có khả năng đạt chuẩn, đó là 2 xã Phước Đại (Bác Ái), Hòa Sơn (Ninh Sơn) do các tiêu chí thu nhập, giảm hộ nghèo đạt quá thấp so với yêu cầu và xã Phước Vinh (Ninh Phước) tuy đã hoàn thành 18 tiêu chí nhưng đáng tiếc lại không đạt tiêu chí về Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết: Dù Ninh Sơn và Ninh Phước đang đề nghị thay thế các xã khác, nhưng theo thực tế khảo sát, dự kiến cuối năm nay tỉnh ta có khả năng chỉ thêm 8 xã đạt chuẩn, giảm một xã so với kế hoạch.

Về công tác lập quy hoạch, sau khi hoàn thành quy hoạch chung, đến nay mới có 36/47 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết sản xuất (trong đó các đơn vị Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Phước, Ninh Hải, Phan Rang-Tháp Chàm đã hoàn thành); 22/47 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn và 41/47 xã hoàn thành quy hoạch trung tâm hành chánh xã. Điều đáng nói là chất lượng quy hoạch và tính khả thi của các giải pháp thực hiện quy hoạch ở một số xã chưa cao, hầu hết quy hoạch nặng về giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật mà thiếu các giải pháp, phương án phát triển sản xuất. Về lập đề án xây dựng NTM của 47 xã, đến tháng 7-2014 mới hoàn thành xong nhưng chất lượng đề án do các xã lập chưa cao, nhất là xác định nguồn lực để thực hiện chương trình, chủ yếu là dựa vào ngân sách nhà nước. Nhiều đề án không thể hiện rõ danh mục công trình, phân kỳ đầu tư ... nên việc lập kế hoạch hàng năm không sát với đề án được phê duyệt. Theo đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, với kinh phí bình quân thực hiện đề án là 176,37 tỷ đồng/xã, có thể nói đây là sự lãng phí đầu tư khá lớn.

Để đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016-2020, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện, nhưng có thể thấy điều quan trọng trước hết là các xã cần phối hợp cùng các sở, ngành rà soát lại quy hoạch, đề án xây dựng NTM và tập trung nguồn lực đầu tư cho các tiêu chí đạt thấp, còn khó khăn như trường học, cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế. Theo mục tiêu đề ra vào cuối năm 2020 tỉnh ta có 23 xã đạt chuẩn NTM, cùng với giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng thêm vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh yêu cầu các địa phương chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện.