Chuyện “lỗi tại sáng kiến”

(NTO) Từ xưa đến nay, việc khen, chê là lẽ thường tình. Người tốt, việc tốt thì khen, ai chưa tốt thì góp ý để họ tốt hơn. Và nếu sự việc cứ diễn ra như vậy có lẽ chẳng có gì phải bàn cãi. Thế nhưng cái sự khen thưởng bây giờ, có nơi, có lúc cứ như “cười ra nước mắt”. Câu chuyện về trường mẫu giáo điển hình của huyện dưới đây cho ta rõ hơn cái sự “cười ra nước mắt”.

Trong nhóm bạn học chúng tôi, cô bạn học giỏi nhất lại trái tính, trái nết. Tốt nghiệp phổ thông, không chọn thi vào trường đại học, lại chọn ngành Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. Ra trường, cô về làm giáo viên trường mầm non huyện. Sau này học chuẩn hoá có bằng đại học và nhờ công tác tốt, hiện nay, cô là hiệu trưởng của trường mầm non. Nhớ thời học trò, nghe bạn gái có ý định chọn ngành “nuôi dạy hổ”, mấy đứa bạn thi nhau chọc “nhớ học cho giỏi để rửa…” nhưng không sao lay chuyển nổi quyết tâm bạn mình. Thế rồi chuyện học hành, ra trường, lo việc làm, công tác mỗi đứa mỗi nơi ít có dịp gặp mặt nhau đông đủ.

Trước dịp nghỉ lễ 30 tháng 4 vừa qua, tôi và thằng bạn ghé qua trường thăm bạn gái xem giờ ra sao. Gặp nhau, sau màn chào hỏi, thằng bạn thân ngày nào chọc ngay: Này, có bao giờ bà chán, muốn chuyển nghề không? Được dịp, tôi "thọc cù lét": Lý tưởng người ta mà, sao có chuyện chuyển nghề... Nghe xong, cô bạn phản pháo: Mấy chục năm rồi mà các ông vẫn chưa từ bỏ việc chọc tức tôi sao, đến thăm hay khẩu chiến đây? Thằng bạn tôi cười xoà: Bái phục ý chí của bà, chỉ riêng việc “vì trẻ thơ thân yêu”, bà xứng đáng nhận danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” rồi. Nghe xong, cô bạn nói như chùn xuống: Mình sống, làm việc vì những đứa trẻ thơ ngây, chúng líu lo như chim hót, nhìn chúng lớn khôn hàng ngày là hạnh phúc lắm rồi. - “Này, nghe bà nói sao giống “các cụ” cách mạng tiền bối vậy”, tôi góp thêm. Tuy vậy vốn hiểu tính nết của nhau nên cô bạn chỉ cười trừ.

Sau chuyện riêng tư đến chuyện công việc, chúng tôi mới biết thêm sự đáng yêu của những cô nuôi dạy trẻ. Cô bạn cho biết: Lo cho chúng khoẻ, ngoan đã khó nhưng bảo đảm an toàn cho các cháu còn khó hơn. Thời giờ làm việc của cô bảo mẫu không giới hạn bởi 8 giờ: Sáng đón cháu sớm trước giờ làm việc, chiều trả cháu sau giờ làm việc, trưa thức canh cho các cháu ngủ. Ngoài giờ ở trường, các cô cũng có nhiệm vụ chăm lo con cái, gia đình mình. Điều hạnh phúc nhất đối với các cô giáo sau mỗi ngày làm việc là hình ảnh các cháu lễ phép “Thưa cô, con về”, là những ông bố, bà mẹ tươi cười đón con sau một ngày làm việc, là những bó hoa, lời cảm ơn của cha mẹ các cháu trong ngày Nhà giáo Việt Nam, lễ tổng kết năm học. Hỏi thêm, chúng tôi mới biết, trường mầm non do cô làm hiệu trưởng liên tục dẫn đầu ngành Mầm non của huyện. Cha mẹ học sinh khen, Nhân dân khen, lãnh đạo huyện khen nhưng danh hiệu khen cao chưa có. Hỏi lý do, cô bạn phân trần: Luật quy định phải có chiến sĩ thi đua cơ sở, danh hiệu này phải có sáng kiến mà viết sáng kiến phải đúng quy định. Nghe bạn nói, chúng tôi mới vỡ lẽ: Thì ra báo cáo sáng kiến tới mười mấy trang mà các cô nuôi dạy trẻ thời gian đâu để viết, thôi thì các cháu ngoan, khoẻ, cha mẹ học sinh khen, Nhân dân khen được rồi. Thế nên, việc trường mẫu giáo của cô chưa được tặng thưởng danh hiệu cao suy cho cùng là ở chỗ “lỗi tại sáng kiến”!?

Trở lại thời kháng chiến chống Pháp, gian khổ, ác liệt, hy sinh là vậy nhưng với Quốc lệnh của Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Mười điều thưởng “Nhà nào có ba con tòng quân, ai vì nước hy sinh, ai làm việc công một cách trong sạch, ngay thẳng, ai bỏ tiền ra xây đắp cầu cống, đê, đường, ai làm việc gì có lợi cho nước nhà, dân tộc... đều được thưởng”. Chuyện khen thưởng nó đơn giản làm sao, nhờ đó mà đã huy động sức lực toàn dân vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đưa đến thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (thơ Tố Hữu). Vậy lẽ nào cái việc “lỗi tại sáng kiến” không quy định cho nó đơn giản như Quốc lệnh của Chính phủ để việc xét danh hiệu, khen thưởng không còn là nỗi lo của cô giáo mầm non, để thầy, cô giáo, nhà trường tập trung sức góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.