Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống gia đình

(NTO) Gia đình-cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng, giáo dục con người. Một gia đình đầm ấm, hạnh phúc với những chuẩn mực, giá trị đạo đức tốt đẹp sẽ tạo mối quan hệ gắn bó và môi trường thuận lợi cho mỗi cá nhân phát triển. Nhằm tôn vinh, phát huy vai trò của gia đình, năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã lấy chủ đề của Năm Gia đình Việt Nam: “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống gia đình”.

Những năm qua, kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng liên tục phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của mọi gia đình được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin đang có một số tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, giá trị văn hóa tuyền thống của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ. Đó là quan niệm sống thực dụng, ích kỷ, đua đòi, lãng phí, cá biệt có những thanh thiếu niên sa vào các tệ nạn xã hội: ma túy, mại dâm… Tình trạng bạo lực gia đình hiện vẫn còn khá phổ biến.

Ảnh minh họa.

Thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ CNH, HĐH; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020” của Bộ VH-TT&DL, tỉnh ta đã triển khai nhiều chương trình hành động nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc phát huy vai trò, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam: vận động Nhân dân phòng, chống bạo lực gia đình; tham gia phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”; đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị… Cụ thể hóa các chương trình hành động này, các ngành chức năng, đoàn thể cùng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng: thành lập các câu lạc bộ “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình không sinh con thứ 3”, hay câu lạc bộ “Phụ nữ đơn thân”, “Địa chỉ tin cậy” là nơi để mọi người đến cùng chia sẻ tâm tư, tình cảm, được tư vấn, giúp đỡ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mỗi khi có mâu thuẫn gia đình, học hỏi nhau về các phương pháp nuôi con khỏe, dạy con ngoan, cách ứng xử của các thành viên trong gia đình... Hằng năm, nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11) đều xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện công tác gia đình theo từng chủ đề cụ thể; truyên truyền quy định pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân-gia đình; tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, ẩm thực... Ngoài ra, tỉnh còn triển khai thực hiện nhiều chính sách, dự án hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế như: cho vay vốn phát triển kinh tế, đào tạo, giải quyết việc làm, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi... Với những việc làm thiết thực đã từng bước tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của mọi tầng lớp nhân dân, hướng đến những chuẩn mực, giá trị đạo đức, lối sống của mỗi thành viên trong gia đình, ông bà, cha mẹ sống mẫu mực, hòa thuận làm gương cho con cháu noi theo; con cháu “kính trên, nhường dưới”, hiếu thảo, lễ phép, từ đó cùng xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”, từng bước giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống quý báu của gia đình Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc các giá trị mới, tiến bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH. Số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tăng lên từng năm, hiện đạt trên 86% (tăng 5% so với năm 2010), 63,1% thôn, khu phố được công nhận thôn, khu phố văn hóa.

Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) năm 2015 sẽ tiếp tục tuyên truyền chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương hướng dẫn tổ chức các hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam một cách thiết thực, như: tọa đàm, gặp mặt, biểu dương những gia đình tiêu biểu; hội thi ẩm thực... nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của bữa cơm gia đình Việt Nam. Bữa cơm gia đình là những phút giây các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần đầm ấm, hạnh phúc bên nhau sau một ngày lao động, công tác, học tập; là dịp thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, chăm sóc và gắn kết tình cảm để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc và là một nét văn hóa, lối sống lành mạnh, nền tảng hình thành, xây dựng giá trị nhân cách mỗi con người Việt Nam.