CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Giữ “lửa” cho bữa cơm truyền thống Việt!

(NTO) Gia đình là tế bào của xã hội, do vậy mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách… đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Bác Hồ kính yêu đã khẳng định, việc quan tâm đến gia đình là đúng vì: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Ảnh minh họa.

Theo lời Bác, ngày 28-6-2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: Lấy ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó đến nay, hàng năm Ngày Gia đình Việt Nam trở thành một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, “thấu cảm” được giá trị của mái ấm và cùng nhau vượt qua khó khăn để xây dựng gia đình hạnh phúc.

Không phải ngẫu nhiên mà năm nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chọn chủ đề cho Ngày Gia đình Việt Nam  đó là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Bởi lẽ, trong những năm gần đây việc chăm sóc, giáo dục… trong nhiều gia đình đang suy giảm đến mức đáng báo động. Theo thống kê cho thấy, tại các đô thị lớn ở nước ta có đến 30 - 40% các gia đình lâm vào cảnh “cơm hàng, cháo chợ”. Đa số các ông chồng ngày nay khi được hỏi về chuyện bữa cơm gia đình đều cho rằng: Bữa cơm gia đình là cần thiết nhưng không đến mức...bức thiết. Nghĩa là một tuần “vắng” cơm nhà dăm ba bận là chuyện bình thường. Riết rồi thành quen, cho nên nếu các quý “bà nội trợ” không thường xuyên lo cơm nước cho chồng, con cũng chẳng sao!. Chỉ cần ra khỏi nhà là có nhiều hàng quán mời chào, muốn ăn thức nào có thức nấy. Có người cho rằng như vậy mà hóa hay vì không phải mất nhiều thời gian đi chợ, nấu nướng hàng ngày và cũng chưa chắc đã nấu món ăn ngon như hàng quán!. Thậm chí có gia đình nhất là gia đình trẻ ra “quy ước” chỉ ăn ở nhà vào chủ nhật, nghĩa là chỉ 4 ngày một tháng để gọi là thích nghi với đời sống công nghiệp hóa. Thậm chí có người còn cho rằng, bữa ăn có nhiều giá trị nhưng nếu lặp đi lặp lại liên tục, đúng giờ thì sẽ nhàm chán… Việc quý ông “trụ cột” gia đình vắng mặt trong bữa cơm đồng nghĩa với sự nguội lạnh trong các sinh hoạt khác của gia đình, nhất là gần gũi, giáo dục con cái điều hay lẽ phải trong giao tiếp, ứng xử…ở gia đình và xã hội.

Suy cho cùng, bữa cơm truyền thống trong gia đình Việt tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng lại mang ý nghĩa lớn lao, bởi đây chính là nơi gắn kết các thành viên, là nơi giữ “lửa” hạnh phúc. Ông cha ta thường nói, để biết gia đình đó có hạnh phúc hay không thì hãy nhìn vào căn bếp. Hay “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Bởi vì bữa cơm gia đình tuy không có nhiều món ăn cầu kỳ đắt tiền, nhưng thường người nấu ăn, trước hết là người vợ, người mẹ luôn quan tâm đến sở thích của chồng, con. Đó chính là biểu hiện của sự quan tâm, chăm sóc đối với các thành viên gia đình. Hay nói khác hơn, hạnh phúc gia đình không ở đâu xa mà qua những việc làm nho nhỏ trong cách ứng xử, đối xử giữa các thành viên, qua những nét sinh hoạt cụ thể, diễn ra từ bữa cơm hàng ngày...

Với những ý nghĩa đó, mong rằng đừng để bữa cơm chung, đầm ấm, thân mật trong gia đình Việt dần biến mất vì “thừa kinh tế nhưng thiếu thời gian” tại không ít gia đình hiện nay!.