Thế giới trong tuần

1. Đến ngày 12-6, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 4 trường hợp nhiễm MERS, nâng tổng ca nhiễm bệnh tại nước này lên con số 126 người. Hàn Quốc được coi là ổ bệnh MERS lớn nhất ngoài Saudi Arabia – nơi lần đầu tiên phát hiện loại virus chết người này vào năm 2012. Tính tới thời điểm này, Hàn Quốc đã xác nhận 10 ca tử vong vì tiếp xúc với virus MERS-CoV và hơn 3.800 người đang phải cách ly để theo dõi thêm. Hơn 950 người đã trở về nhà sau khi được xét nghiệm âm tính với virus MERS-CoV.

Sự bùng phát của dịch MERS đã khiến Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đưa ra quyết định hạ lãi suất cơ bản về mức thấp kỷ lục 1,5%. Đây là lần hạ lãi suất thứ tư của Hàn Quốc kể từ tháng 8-2014. Động thái cắt giảm lãi suất lần này được cho là để xoa dịu ảnh hưởng tiêu cực của MERS và ngăn không để tâm lý người tiêu dùng và hoạt động sản xuất rơi vào trạng thái đóng băng.

Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã quyết định hoãn chuyến thăm Hoa Kỳ để tập trung chỉ đạo tình hình dịch MERS tại nước nhà.

Động thái nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại học đường này cũng vấp phải sự phản đối của các quan chức ngành Giáo dục Hàn Quốc. Ngay cả Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng cho rằng việc đóng cửa trường học không liên quan gì tới sự lây lan của dịch MERS.

2. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố cập nhật ngày 11-6, cho biết, nhu cầu về dầu mỏ trên thị trường thế giới trong ba tháng đầu năm 2015 đã chạm đỉnh trong vòng bốn năm qua, nhưng đà tăng này sẽ bị hạn chế trong nửa cuối năm nay do dư thừa nguồn cung.

Sau khi OPEC tuyên bố không cắt giảm sản lượng, giữ nguyên mức 30 triệu thùng/ngày vào phiên họp mới đây tại Vienna, Áo, giá dầu thế giới tiếp tục suy giảm.

IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới nửa cuối năm 2015 sẽ chững lại do nguồn cung tăng mạnh từ các nước thành viên OPEC và cả một số quốc gia ngoài tổ chức này.

Hiện OPEC đang khai thác ở mức khoảng 31 triệu thùng/ngày, trong khi các nước sản xuất dầu mỏ ngoài OPEC cũng đang tăng nguồn cung thêm 1 triệu thùng/ngày.

Theo báo cáo của IEA, nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2015 sẽ đạt 94 triệu thùng/ngày, tăng 300.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Báo cáo này cũng cho biết, nguồn cung của OPEC tăng 50.000 thùng/ngày trong tháng 5 lên 31,33 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 8-2012, và có thể còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

3.Nỗ lực theo đuổi dự luật về “Quyền thúc đẩy thương mại” (TPA), còn gọi là quyền đàm phán nhanh, của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã vượt qua trở ngại đầu tiên tại Hạ viện Mỹ để chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu cuối cùng.

Nếu được Hạ viện phê chuẩn, Tổng thống Obama dự kiến sẽ lập tức ký ban hành do văn kiện này đã được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng trước. Đây sẽ là một thắng lợi đối với chính quyền của Tổng thống Obama, người từng coi việc kết thúc đàm phán ký TPP với 11 đối tác châu Á-Thái Bình Dương khác là một ưu tiên đối ngoại trong nhiệm kỳ hai.

Dự luật này trao cho Nhà Trắng toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của TPP; sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản đã nhất trí.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ khả năng Hạ viện Mỹ thông qua dự luật này do phần lớn các nghị sỹ Dân chủ và một số nghị sỹ Cộng hòa vẫn lên tiếng phản đối gay gắt. Giới phân tích đánh giá việc giành TPA là một “cuộc chiến” cam go của Nhà Trắng, đồng thời cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Dân chủ đang nắm quyền hành pháp.