Dấu ấn: Sự kiện lịch sử trong nước ngày 13-6

* Sự kiện

- Ngày 13-6-1952: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Thanh niên hoạt động”, ký bút danh Đ.X., đăng báo Cứu quốc, số 2098. Nội dung bài viết giới thiệu những thành tích thi đua của thanh niên tỉnh Y vùng tạm bị chiếm trong công tác tuyên truyền vận động quần chúng, địch vận và tham gia bộ đội địa phương, dân quân du kích. Tác giả kết luận: “Trăm năm trong cõi người ta/ Thi đua kháng chiến, mới là thanh niên”.

- Ngày 13-6-1954: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Chớ kiêu ngạo, phải khiêm tốn”, ký bút danh C.B, đăng trên báo Nhân Dân, số 194, chỉ rõ chính chủ nghĩa cá nhân đã đẻ ra bệnh kiêu ngạo mà hậu quả là sự thoái hóa của cán bộ. Do vậy, “chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn... Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi”.

- Ngày 13-6-1955: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với Hội nghị sản xuất cứu đói họp tại Hà Nội. Người nói: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi...”. Người yêu cầu phát động phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm, cán bộ, đảng viên phải xung phong gương mẫu trong phong trào. Việc cấp phát lương thực cho nhân dân những vùng bị đói, sau khi chỉ rõ những khuyết điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, đảng viên phải nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, biết dựa và lực lượng và sáng kiến của nhân dân; nếu cố gắng và tin tưởng thì sẽ chống và phòng được nạn đói.

- Ngày 13-6-2001: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 93/2001/QĐ-TTg, quyết định tháng 6 hằng năm là “Tháng hành động phòng chống ma túy”; ngày 26-6 là “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”.

- Ngày 13-6-2005: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 521/QĐ-TTg lấy ngày 19-8 hằng năm là "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

- Ngày 13-6-2014: Giới thiệu 80 ca khúc mới về biển đảo quê hương. Tại Hà Nội, gần 80 ca khúc mới viết về biển đảo đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam giới thiệu trong tập 1 với tiêu đề “Những bài hát mới về biển đảo quê hương” thuộc Tuyển tập ca khúc “Dậy sóng Biển Đông”. “Dậy sóng Biển Đông” giới thiệu những ca khúc mới nhất về biển đảo của các nhạc sĩ là hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng như những nhạc sĩ không chuyên đang công các trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực thể hiện tấm lòng của giới nhạc sĩ biển trời quê hương, góp tiếng nói bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nét đặc biệt của tập 1 là giới thiệu những bài hát đầu tiên viết về lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam (Biển Đông đầu sóng ngọn gió của nhạc sĩ Vũ Hoàng); về lực lượng tàu ngầm (Những chiến sĩ đi trong lòng biển, nhạc sĩ Vũ Trọng Cường); lực lượng Không quân, Hải quân nhân dân Việt Nam (Bay lên! Không quân Hải quân của nhạc sĩ Trần Ngọc Lâm)…

* Nhân vật

- Ngày 13-6-1889: Ngày mất của nhà yêu nước Phùng Văn Minh. Phùng Văn Minh, còn có tên là Quận Cồ, sinh năm 1849, người Nam Định, theo ông nội di cư lên sống ở Sơn Tây. Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Sơn Tây cũ, Quận Cồ cùng với một số người yêu nước tổ chức nhân dân các huyện nổi lên chống Pháp. Nghĩa quân đã duy trì cuộc kháng chiến được gần 7 năm. Trong trận đánh đồn Vật Lại, Phùng Văn Minh bị một tên tay sai của Pháp gài vào hàng ngũ nghĩa quân, đánh lén, rồi chặt đầu ông đem về nộp cho giặc để lĩnh tiền thưởng.

- Ngày 13-6-1927: Ngày mất của nhà yêu nước Lương Văn Can. Lương Văn Can sinh năm 1854, quê ở Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Đỗ cử nhân năm 1879, thực dân Pháp cử ông làm ủy viên Hội đồng thành phố Hà Nội, song ông từ chối, ở lại quê nhà mở trường dạy học. Ông đã cùng một số chí sĩ yêu nước lập ra trường Đông Kinh nghĩa thục, khởi xướng phong trào Duy Tân. Các sĩ phu yêu nước và nhân dân tiến bộ đã nhiệt liệt tham gia, khiến thực dân Pháp hoảng hốt khủng bố trắng, ra lệnh đóng cửa trường. Ông bị thực dân Pháp bắt giam và kết án tù biệt xứ. Sau đó, thực dân Pháp phải trả tự do, đưa ông về Hà Nội.