Phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc trong mùa nắng hạn

(NTO) Trước tình hình nắng hạn kéo dài ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Trương Khắc Trí, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y về công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc.

Đồng chí Trương Khắc Trí
Chi cục Trưởng Chi cục Thú y

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc ở tỉnh ta hiện nay?

Đồng chí Trương Khắc Trí:  Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh, các bệnh nguy hiểm như lở mồm, long móng trên đàn gia súc được kiểm soát, không xảy ra dịch bệnh. Các bệnh truyền nhiễm khác như tụ huyết trùng, loét da quăn tai trâu, bò xảy ra rải rác ở một số nơi, nhưng không đáng kể và được khống chế kịp thời. Tuy vậy, do nắng hạn kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi chăn nuôi gia súc. Theo thống kê của các Trạm Thú y huyện, thành phố, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 293 con gia súc chết; trong đó, trâu 1 con, bò 17 con; dê, cừu 275 con. Nguyên nhân là do nguồn thức ăn, nước uống thiếu hụt dẫn đến một số con nái bị kiệt sức, khả năng tiết sữa kém, chết do đẻ non, con thiếu sữa chết rải rác, không có hiện tượng chết do dịch bệnh.

Phóng viên: Đồng chí có nhận định gì về nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc trong mùa nắng hạn và công tác phòng, chống được triển khai như thế nào?

Đồng chí Trương Khắc Trí: Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc rất cao. Do thiếu thức ăn, nước uống nên gia súc ăn nhiều tạp chất, uống nước bẩn đọng ở các ao, hồ dễ bị ngộ độc, phát sinh bệnh nội khoa. Thực tế ở xã Phước Trung đã có 31 con cừu chết do uống nước nhiễm thuốc trừ sâu. Để ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc, công tác tiêm phòng, vệ sinh, tiêu độc khử trùng hết sức quan trọng.

Đối với tiêm phòng, đơn vị phối hợp với các địa phương đang tổ chức triển khai kế hoạch tiêm đợt 1-2015. Đến thời điểm hiện nay, tiêm phòng bệnh cho trâu, bò đạt tỷ lệ trên 50%; dê, cừu 33,28%. Công tác tiêm phòng đang gặp khó khăn do việc phân bổ vácxin từ các chương trình chưa kịp thời. Đối với huyện Bác Ái, vácxin theo Chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ đang chờ phân bổ, nên chưa thực hiện tiêm phòng. Riêng công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng được thực hiện thường xuyên. Ngày 23 – 4 vừa qua, Chi cục Thú y đã phân bổ hóa chất về các huyện, thành phố để cấp cho các hộ chăn nuôi phun, xịt chuồng trại.

Để ngăn chặn dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, nhất là bệnh suy dinh dưỡng do thiếu thức ăn, nước uống. Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đợt 1-2015 và tiêm vácxin lở mồm, long móng Chương trình quốc gia năm 2015, Chương trình Nghị quyết 30a cho đàn trâu, bò ở 5 huyện: Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam, Thuận Bắc và Bác Ái. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo các hộ chăn nuôi về biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: Dự trữ thức ăn trong mùa khô, bổ sung thức ăn tinh, thuốc bổ trợ sức và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho gia súc. Di chuyển đàn đến các vùng có nguồn nước, nguồn thức ăn. Đối với các đàn có số lượng lớn như cừu cần tách ra thành từng nhóm nhỏ để tiện di chuyển, chăm sóc; hạn chế việc tái đàn; bán bớt cừu nái già.

Khuyến cáo hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng vácxin cho gia súc theo đúng quy định. Tổ chức thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng, tập trung cho chuồng trại và môi trường chăn nuôi. Thắt chặt công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, vận chuyển sản phẩm gia súc trên địa bàn toàn tỉnh.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!