Từ đảo Lý Sơn, nghĩ về cây tỏi Ninh Thuận

(NTO) Đến huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) trong những ngày hè nhuộm nắng chói chang, chúng tôi được giới thiệu về cây tỏi – cây trồng đặc sản của địa phương, cũng là một sản phẩm du lịch đang được chú trọng phát triển ở đây.

Tổng diện tích gieo trồng tỏi ở Lý Sơn hiện trên 330 ha, với năng suất bình quân gần 80 tạ/ha. Vì là cây trồng 1 vụ trong năm, nên ngoài 5 tháng trồng tỏi (từ tháng 10 đến tháng 2), thời gian còn lại, nông dân ở đây canh tác bắp lai, hành tím, rau đậu các loại. Đồng chí Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Ruộng tỏi ở đây không chia luống, đánh hàng như các nơi khác mà trồng ngay trên một mặt bằng phẳng. Bên trên là cát trắng, bên dưới là trầm tích đất ba-dan do hoạt động phun trào của núi lửa cách đây hàng chục triệu năm tạo nên, cộng với điều kiện nắng gió của vùng biển đã tạo ra củ tỏi thơm cay đặc biệt. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, địa phương đã xây dựng thương hiệu đặc sản cho cây tỏi, gắn với du lịch biển đảo. Song song đó, nông dân Lý Sơn còn được tư vấn lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, tiết kiệm nước và công lao động. Vì là sản phẩm du lịch nên tỏi Lý Sơn chủ yếu được bán cho du khách, với giá khá ổn định, từ 50.000 – 70.000 đồng/kg tỏi thường, riêng tỏi “cô đơn” (mỗi củ chỉ có 1 tép) có giá trên dưới 1 triệu đồng/kg. Thu nhập từ cây tỏi cao hơn những loại cây trồng khác. Những năm gần đây, nguồn thu này có tính ổn định cao, giúp nông dân cải thiện đời sống.

 
Hệ thống phun tưới tiết kiệm nước được nông dân đảo Lý Sơn áp dụng vào sản xuất.

Đúng như lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch UBND huyện, hầu hết các ruộng hành, tỏi ở Lý Sơn đều có lắp đặt hệ thống tưới phun tiết kiệm nước. Nông dân Võ Thành Xuân (thôn Đông, xã An Vĩnh) cho biết: Gia đình ông đã đầu tư hệ thống tưới phun từ cách đây 4 năm, với kinh phí trên 5 triệu đồng/sào (1 sào miền Trung tương đương 500 m2), rất dễ sử dụng và tiện lợi.

Theo quan sát của chúng tôi, ở hầu hết các địa điểm lưu trú và điểm du lịch của tỉnh Quảng Ngãi nói chung, huyện đảo Lý Sơn nói riêng, đều có bày bán loại tỏi đặc sản này của địa phương, với nhãn hiệu rõ ràng, nhằm tiếp cận tối đa du khách. Không những thế, các nhà hàng, quán ăn luôn chuẩn bị những tép tỏi Lý Sơn (dùng tươi) trong bát nước mắm trên bàn ăn của du khách, như một cách giới thiệu đặc sản, hỗ trợ quảng bá thương hiệu cho củ tỏi địa phương. Khách du lịch khi đến thăm đảo Lý Sơn, mỗi người đều mua ít nhất 1 kg tỏi, có người còn mua cả chục ký về làm quà cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

Trong khi đó, sản phẩm tỏi Phan Rang mặc dù đã có nhãn hiệu, nhưng mức độ tiếp cận du khách còn rất hạn chế. Ngoài một số “điểm dừng chân” dọc Quốc lộ 1A, các chợ lớn trên địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm và vài ba cửa hàng đặc sản có bày bán tỏi Phan Rang, thì du khách đến Ninh Thuận nếu không chủ động tìm hiểu thông tin hoặc không có “hướng dẫn viên” bản địa thì không dễ gì tìm mua được tỏi Phan Rang. Đó là chưa kể, việc quản lý chất lượng tỏi bày bán cũng chưa thật chặt chẽ, dễ bị một số tiểu thương lợi dụng “trà trộn” tỏi xuất xứ Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc… làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu tỏi Phan Rang.

Hiện nay, diện tích canh tác tỏi của tỉnh ta có khoảng 210 ha, tập trung ở Tp.Phan Rang – Tháp Chàm và 2 huyện Ninh Hải, Thuận Bắc. Trong đó, có trên 50 ha đang thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sẽ nhân rộng trong thời gian tới. Đây là “điều kiện cần” để nâng cao chất lượng cũng như tạo sự yên tâm, tin tưởng của người tiêu dùng, là một “điểm cộng” cho nông sản địa phương. Tuy nhiên, “bài toán” giải quyết đầu ra và việc quảng bá thương hiệu vẫn chưa được “giải” một cách bài bản, rốt ráo và đầy đủ. Thế nên, người trồng tỏi vẫn phải chịu cảnh thương lái ép giá, còn củ tỏi đặc sản quê hương thì dù có thơm ngon đặc biệt đến đâu cũng đành “ba chìm, bảy nổi” với diễn biến thị trường.