CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Ngọt - Đắng hàng nông sản!

(NTO) Có thể nói, chưa bao giờ một số mặt hàng nông sản, đầu tiên là dưa hấu (Quảng Nam, Quảng Ngãi), tiếp đến là hành tây (Lâm Đồng), hành tím (Sóc Trăng)... lại rớt giá đến mức dư luận phải lên tiếng kêu gọi cần có một cuộc “giải cứu” để giúp nông dân!. Và kết thúc khá có hậu đó là có gần 80% sản lượng dưa hấu được tiêu thụ trong nước với giá hợp lý, nghĩa là bảo đảm người sản xuất thu hồi được vốn và có lãi một phần, nếu không thì bỏ ruộng để làm thức ăn cho gia súc, hậu quả là mất vốn. Đối với một số mặt hàng khác tuy còn khó khăn khâu tiêu thụ nhưng so với thời điểm đầu vụ thu hoạch nay có khả quan hơn về giá cả và mức độ tiêu thụ. Vấn đề đặt ra là nguyên nhân của thực trạng trên do đâu?.

 
Đóng gói sản phẩm tỏi tại trang trại Quang Ninh trước khi
đưa đi tiêu thụ tại các DN kết nối trong nước.

Nếu chỉ nghĩ đơn thuần, “một chiều” rõ ràng là giữa sản xuất với “đầu ra” tiêu thụ chưa gặp nhau, cung vượt quá cầu!. Thế nhưng ở dải đất miền Trung thừa nắng, thiếu mưa nếu không trồng dưa hấu thì liệu có cây nào dễ trồng hơn?. Điều này đã được dân gian đúc kết: “nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”. Hay như vùng Đơn Dương (Lâm Đồng) nhiều năm qua chuyên trồng hành tây, hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng là “thương hiệu” mạnh. Thực chất vấn đề ở đây là mối liên kết “4 nhà” quá rời rạc thậm chí là không còn mà chỉ có “2 nhà”: nhà nông và nhà buôn. Do lâu nay hệ thống phân phối trong nước của các nhà buôn gần như không có nhiều, chủ yếu buôn chuyến, “đánh hàng” qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Đồng thời chính do tư thương thao túng nên giá cả được “điều chỉnh” theo sản lượng từng mùa: sản lượng thấp thì giá lên, thu hoạch rộ, sản lượng cao thì giá xuống. Cụ thể như dưa hấu bán lẻ trên thị trường không dưới 10.000 đồng/kg trong khi tại nơi sản xuất nông dân chỉ bán được không quá 1.000 đồng/kg (thấp hơn gần 10 lần). Các nông sản khác cũng vậy: hành tây hiện tại ruộng chỉ có 1.000 đồng/kg loại 1, hành tím chỉ 5.000 đồng/kg, thấp hơn 1.000 đồng so với chi phí sản xuất... Đó là chuyện tỉnh ngoài, còn trong tỉnh cũng không khác gì hơn và nhiều mặt hàng nông sản cũng tương tự. Đơn cử: hiện tại một số chợ bắp trái nông dân tự bán không quá 5.000 đồng/kg (bắp ngon), nho tím có giá 20.000-25.000 đồng/kg... trong khi đó chỉ cần thương lái mua, lưu thông là giá đã đẩy lên gấp hai, ba lần. Đặt ra vấn đề này để cho thấy ngay cả người nông dân cũng cần phải nắm chắt thông tin thị trường để sản xuất, liên kết sản xuất và tự định giá sản phẩm thông qua khâu tiêu thụ... Có như vậy mới tạo nên chuỗi giá trị bền vững. Một chuyên gia về kinh tế nông nghiệp đã nói rất chí lý rằng: Nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà cứ để nông dân và thương lái tự xoay sở thì làm sao họ lo nổi?. Chính sách của Nhà nước là phải kích vào khâu tiêu thụ, kết nối sản xuất với thị trường, nói một cách hình ảnh là tổ chức sản xuất từ đồng ruộng đến bàn ăn. Quả thực, nếu như cứ để mặc sản xuất, chính sách có chăng cũng chỉ phát triển sản xuất nhưng không có địa chỉ giải quyết tiêu thụ sản phẩm thì kết quả như đã nêu trên là điều tất yếu.

Mong rằng ngành chức năng, liên quan cần giúp nông dân một cách thực chất và ngược lại nông dân cần tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng cả về thời vụ, cây trồng phù hợp, tránh tình trạng tự phát để rồi cứ “hát” hoài điệp khúc “được mùa mất giá”!.