Hướng đi nào bền vững cho làng nghề Việt Nam?

Ngày 19-4, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có chuyến khảo sát tại một số làng nghề và hợp tác xã (HTX )tại Nam Định.

Sau chuyến khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh tại làng nghề làm gỗ truyền thống La Xuyên và làng nghề đúc đồng truyền thống của làng Vạn Điểm, thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần phải khắc phục tình trạng làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm hiện nay. Cần phải có sự liên kết các hộ dân làm nghề truyền thống thông qua một tổ chức hội làng nghề hoặc HTX, có như vậy, làng nghề mới phát triển được.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần phải khắc phục tình trạng làm ăn
nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm hiện nay. Ảnh: VGP/Hoàng Long

“Khi đã có tư cách pháp nhân rồi thì hội hoặc HTX làng nghề sẽ đứng ra đễ hỗ trợ người dân vay vốn, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, xử lý ô nhiễm môi trường, thiết kế mẫu sản phẩm, quảng bá hàng hóa… Lúc đó, giá trị của làng nghề sẽ được nâng lên”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Vấn đề ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối trong việc phát triển các làng nghề hiện nay. Do nguồn lực có hạn lại phát triển tự phát, thiếu quy hoạch ngay trong khu dân cư, các làng nghề đang gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những người dân địa phương.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Các địa phương phải có đề án xử lý chất thải dựa trên đặc thù từng loại nghề, từng loại mặt hàng sản xuất. Các tỉnh cũng cần đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu, tìm cách xử lý với từng loại chất thải như mùn cưa, dăm bào, xử lý chất thải xưởng gỗ, tre ngâm… Những vấn đề này các hộ dân không thể giải quyết nổi, cần sự vào cuộc của tỉnh, thậm chí của các Bộ liên quan.

Đi sâu vào từng vấn đề cụ thể, ông Nguyễn Thiện Nhân đưa ra những vấn đề về quy hoạch đất cho làng nghề, xác định hướng liên kết, sản xuất ra những sản phẩm hiện đại bên cạnh sản phẩm truyền thống cũng như vấn đề quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu… Đồng thời cần rà soát, quy hoạch cụ thể để tránh tình trạng chung chung trong việc quy hoạch đất cho làng nghề.

"Cần giữ một diện tích đất lúa phù hợp, nhưng cũng cần linh hoạt chuyển đổi đất để các làng nghề có thể phát triển, tăng thêm thu nhập cho người dân, đồng thời việc quy hoạch tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý chất thải, cải thiện môi trường sống cho người dân trong các làng nghề", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói.

MTTQ Việt Nam sẽ báo cáo và kiến nghị các giải pháp hỗ trợ phát triển làng nghề tại phiên họp thường kỳ tháng 4 sắp tới của Chính phủ. Vấn đề này cũng sẽ được báo cáo tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong kỳ họp tới.

* Chiều 19/4, Đoàn công tác MTTQ Việt Nam tiếp tục có chuyến khảo sát về tình hình sản xuất, kinh doanh tại một số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở huyện Vụ Bản.

 Ảnh: VGP/Hoàng Long

Đây là hoạt động trong chuỗi khảo sát các mô hình HTX của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong thời gian qua cũng như tới đây trong phạm vi cả nước nhằm kiến nghị lên Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ những giải pháp phát triển HTX trong tương lai, xác định mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới để hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp, góp phần vào sự chuyển biến của sản xuất nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

Tại đây, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng HTX làm dịch vụ tốt cũng rất cần thiết, nhưng mấu chốt vẫn phải là việc tìm kiếm, lo thị trường tiêu thụ cho bà con. Muốn vậy ban quản lý các HTX phải có trình độ chuyên môn, quản lý; phải có khả năng dự báo được thị trường, chọn lựa được sản phẩm thị trường cần để định hướng cho nông dân. Cùng với đó, phải cung cấp được các dịch vụ đầu vào tốt, giá rẻ cho người dân.

Trong 2 ngày cuối tuần 18,19/4, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có chuyến khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề truyền thống ở Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh. Mục đích của chuyến khảo sát nhằm tìm hiểu nắm bắt những khó khăn vướng mắc để từ đó đề xuất hướng phát triển cho các làng nghề truyền thống trong thời gian tới.

Đây cũng là thực tiễn nóng hổi cho cuộc tọa đàm về phát triển làng nghề truyền thống trong giai đoạn hiện nay mà Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam sẽ tổ chức vào ngày mai (20/4).

Nguồn www.chinhphu.vn