Công đoàn Ninh Thuận: Đổi mới để phát triển

(NTO) Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, 40 năm qua, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn không ngừng lớn mạnh, xứng đáng là đội ngũ tiên phong trong công cuộc CNH,HĐH đất nước, quê hương.

Xây dựng tổ chức vững mạnh

Nhất là từ khi tỉnh nhà được tái lập, cùng với những đổi mới trong phương thức tổ chức hoạt động, tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân đã có nhiều bước tiến nổi bật. Thời kỳ đầu, đội ngũ cán bộ công đoàn chỉ vỏn vẹn 22 đồng chí, gồm 7 đồng chí trong Ban Thường vụ lâm thời, cùng một số cán bộ chuyên trách của các huyện, thị, công đoàn ngành. Toàn tỉnh chỉ có 2 Công đoàn ngành, 4 Công đoàn huyện, thị xã, với 288 công đoàn cơ sở (CĐCS), trên 7.000 công đoàn viên.

Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận vào ca sản xuất.
Ảnh: Thanh Long

Với quyết tâm vượt khó vươn lên, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xác định công tác phát triển đoàn viên, thành lập và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm, được đặt lên hàng đầu để tạo đà đẩy mạnh các hoạt động khác. Để đạt được mục tiêu này, LĐLĐ tỉnh nhanh chóng sắp xếp lại cơ cấu tổ chức trong cơ quan LĐLĐ tỉnh, giao các CĐCS cho các ngành, địa phương quản lý, tăng cường cán bộ chuyên trách nhằm đủ sức chỉ đạo phong trào. Hàng năm, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, Trường Đại học Công đoàn Việt Nam, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Bảo hiểm xã hội tỉnh.... mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, pháp luật, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn.

Qua mỗi nhiệm kỳ, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cho từng LĐLĐ huyện, thành phố, công đoàn ngành; đồng thời chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở tiến hành phân loại doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn để tuyên truyền phát triển đoàn viên, vận động thành lập CĐCS. Nhờ đó, tổ chức công đoàn không ngừng lớn mạnh. Hiện toàn tỉnh có 7 công đoàn huyện, thành phố và 4 công đoàn ngành: Y tế, Giáo dục, Công đoàn Viên chức, Công đoàn các khu Công nghiệp. Toàn tỉnh đã thành lập mới 405 CĐCS, phát triển mới gần 21.000 đoàn viên, nâng tổng số CĐCS hiện lên 693 CĐCS, gần 28.000 công đoàn viên.

Đổi mới đáp ứng yêu cầu hội nhập

Không chỉ chú trọng nâng cao về số lượng, công đoàn còn luôn cố gắng đổi mới nội dung, phương thức, chuyển hướng hoạt động gần với cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt quan tâm đến công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVC-LĐ. Đồng chí Kiều Đình Minh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh chia sẻ: Trong nhiệm vụ này, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm; cán bộ công đoàn phải là người có năng lực, trình độ và lòng nhiệt huyết, bởi quan tâm đời sống của người lao động không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng mà còn phải luôn gần gủi, thấu hiểu tâm tư, nguyên vọng để kịp thời tham mưu, kiến nghị với chính quyền đề ra giải pháp đáp ứng nguyện vọng chính đáng, là chỗ dựa vững chắc, đáng tin cậy của người lao động. Do đó, ngoài tăng cường giám sát, kiểm tra thực hiện quy định pháp luật lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức công đoàn từ tỉnh đến cơ sở tích cực tổ chức các hoạt động xã hội hỗ trợ những công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn như: vận động các cá nhân, tổ chức quyên góp kinh phí hỗ trợ xây mới và sửa chữa hàng trăm nhà ở “Mái ấm công đoàn”; trao quà nhân dịp lễ, tết… cho đoàn viên nghèo với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan… được tổ chức thường xuyên, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.

Cán bộ nữ Viện Nghiên cứu Cây bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố
chạy PCR kiểm tra gene kháng thuốc trừ cỏ của giống bông. Ảnh: Thanh Long

Các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” gắn với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, phong trào “Thi đua phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “An toàn vệ sinh lao động- Xanh, sạch, đẹp”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”... hàng năm thu hút trên 70% tập thể và 90% cá nhân đăng ký tham gia. Điều đáng ghi nhận là các cấp công đoàn đã biết vận dụng và cụ thể hoá các phong trào thi đua thông qua nhiều hình thức và nội dung thi đua phù hợp với nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, tạo sức lan tỏa thi đua rộng rãi, giúp mỗi đoàn viên phấn đấu hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học, công trình sản phẩm. Chỉ riêng từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 10.104 lượt CNVC-LĐ (trong đó có 8.394 lượt CNVC-LĐ trực tiếp sản xuất, công tác; 1.359 lượt cán bộ quản lý; 111 lượt cán bộ khoa học) có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học. Trong đó có 7.562 đề tài, sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn, làm lợi cho cơ quan, đơn vị hàng trăm tỷ đồng. Năng suất lao động được nâng lên, thu nhập của CNVC- LĐ ngày càng được cải thiện. Mức thu nhập bình quân của CB, CC, VC c trong cơ quan Nhà nước đã tăng lên gần 3,9 triệu đồng/người/tháng; đối với người lao động khu vực sản xuất, kinh doanh địa phương đã nâng lên 4,5 triệu đồng/người/tháng đối với doanh nghiệp nhà nước và 3,8 triệu đồng/người/tháng đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Đồng chí Kiều Đình Minh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh: Với phương châm “Công đoàn đồng hành cùng người lao động”, thời gian tới, ngoài xây dựng phát triển tổ chức công đoàn vững mạnh, LĐLĐ tỉnh tiếp tục tăng cường công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động; đồng thời triển khai sâu rộng, tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước giúp đoàn viên phát huy năng lực, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, trau dồi tay nghề, chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vu trong tình hình mới, công hiến hết mình cho sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng quê hương giàu mạnh.