Một số biện pháp hạn chế thiệt hại do hạn hán trong chăn nuôi gia xúc có sừng

(NTO) Đàn gia súc có sừng, đặc biệt là bò, dê, cừu đã và đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng do tình trạng hạn hán kéo dài trong suốt thời gian qua gây ra và có xu hướng tiếp diễn ngày càng gay gắt. Thiệt hại kinh tế lớn nhất có thể xảy ra đó là nhiều gia súc bị suy nhược dần cơ thể rồi chết mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nước uống và thức ăn.

Sau đây là một số biện pháp cấp bách và cần thiết nhằm giúp bà con chăn nuôi bò, dê, cừu theo quy mô trang trại và gia trại (hộ gia đình) đối phó cũng như hạn chế những thiệt hại do hạn hán gây ra:

I. Giải quyết nguồn nước uống cho gia súc

1. Đối với các trang trại chăn nuôi (quy mô đàn lớn)

Cần khẩn trương di chuyển đàn gia súc từ vùng nắng nóng, khô hạn, thiếu nước như vùng rừng núi, vùng bán sơn địa,… đến các vùng có nước như: vùng đồng bằng, vùng có ao, hồ, đập, sông, suối còn nước… để có nguồn nước uống thường xuyên cho đàn gia súc. Nếu có điều kiện, các trang trại nên chủ động tích trữ nước uống cho gia súc bằng cách đào giếng khoan hoặc xây các bể xi măng, đào hố lót bạt chứa nước.

Nông dân trồng cỏ chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa khô hạn. Ảnh: Sơn Ngọc

2. Đối với các gia trại chăn nuôi (quy mô đàn nhỏ)

Cần tận dụng tối đa các vật dụng sẵn có như bể chứa, thùng chứa, lu chứa,… hoặc có thể xây mới bể xi măng, đào hố lót bạt,… để tích trữ nước uống cho gia súc. Các vật dụng hoặc bể, hố nên có nắp đậy hoặc dùng bạt nhựa che phủ kín bên trên nhằm hạn chế nước thất thoát do bốc hơi.

II. Giải quyết nguồn thức ăn cho gia súc

Ngoài việc chăn thả gia súc hàng ngày để tận dụng thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên, các hộ chăn nuôi quy mô trang trại cũng như gia trại nhất thiết phải chủ động và chuẩn bị tốt, đầy đủ nguồn thức ăn bổ sung, nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc. Cụ thể bằng cách: trồng cỏ bổ sung thức ăn thô xanh hoặc chế biến, bảo quản thức ăn dự trữ (phơi khô cỏ, ủ rơm với urê, ủ chua thức ăn thô xanh,…).

III. Nuôi dưỡng, chăm sóc đàn gia súc

- Chuồng trại chăn nuôi phải rộng rãi, có mái che, đảm bảo thoáng mát. Cần có biện pháp che chắn nhằm hạn chế ánh nắng buổi chiều chiếu thẳng trực tiếp vào chuồng trại.

- Nên thả gia súc ra bãi chăn thả sớm hơn thường ngày. Khi nhiệt độ trong ngày bắt đầu tăng cao, có thể đưa gia súc về chuồng nghỉ ngơi. Về chiều, khi trời đã mát, có thể thả gia súc ra bãi chăn thả và kéo dài thời gian ngoài bãi tới gần xẩm tối. Đối với gia súc non mới đẻ hoặc gia súc bị bệnh, bị suy dinh dưỡng,… cần tách riêng chúng, giữ lại chuồng và có chế độ dinh dưỡng, chăm sóc riêng (nguy cơ chết tập trung vào dạng gia súc này).

- Thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, hạn chế bữa ăn vào thời điểm nóng nhất trong ngày.

- Bổ sung thêm một lượng tối thiểu cỏ xanh từ nguồn cỏ chủ động trồng; tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả,…; tăng cường khẩu phần thức ăn đạm, giảm khẩu phần thức ăn tinh bột, mỡ, đường; đồng thời bổ sung các loại vitamin, khoáng chất thiết yếu,… bằng cách định kỳ tiêm ADE, B-complex và bổ sung bánh liếm, muối hột; đặc biệt bổ sung cám gạo, cám tổng hợp cho các con cái đang mang thai hoặc đang nuôi con.

- Đối với nguồn nước uống không đảm bảo vệ sinh hoặc bị ô nhiễm, nhất thiết phải xử lý trước khi cho gia súc uống. Có thể sử dụng Chloramin-B, Chloramin-T, Biotronic®,… để xử lý theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y hoặc theo hướng dẫn có in sẵn trên bao bì sản phẩm.

- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi, tiêu độc, khử trùng 1 tuần/lần. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia súc để tăng cường khả năng miễn dịch. Thường xuyên theo dõi sức khoẻ, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở hoặc cơ quan thú y huyện, tỉnh.

IV. Giảm bớt số lượng gia súc trong đàn nuôi

Trong ba biện pháp trên, đặc biệt là biện pháp giải quyết nguồn thức ăn cho gia súc, nếu người chăn nuôi không đảm bảo hoặc khó giải quyết một cách đầy đủ trong điều kiện hạn hán kéo dài thì nên tranh thủ tiến hành sàng lọc lại đàn gia súc nuôi. Cụ thể: Chỉ giữ lại những con khoẻ mạnh, cho năng suất cao, sinh sản tốt,…; đồng thời loại thải bằng cách bán xẻ thịt những gia súc già yếu, suy dinh dưỡng hoặc sinh sản kém, thậm chí có thể bán làm giống hoặc bán xẻ thịt một số gia súc còn khoẻ mạnh nếu được giá. Sau khi sàng lọc đàn nuôi xong, người chăn nuôi cần tập trung nguồn lực nuôi dưỡng, chăm sóc đàn gia súc còn lại. Như vậy, hiệu quả kinh tế chăn nuôi sẽ cao hơn so với việc tiếp tục duy trì số lượng đàn gia súc.