Vấn đề hôm nay:

Bất cập hại!

(NTO) Những năm gần đây, cùng với phát triển dân cư, chợ tự phát cũng theo đó hình thành. Ban đầu chỉ là một vài người bán tại các ngã ba, ngã tư hay một khoảng đất trống trung tâm khu dân cư hoặc lề đường... thường là các nông sản “tự sản, tự tiêu” hay dưới dạng “buôn thúng, bán bưng” một số mặt hàng để tiêu thụ…cũng chỉ là để có thêm thu nhập.

Dần dần số người bán cũng tăng lên và theo đó là hàng hóa cũng phong phú hơn với đủ loại, chủ yếu là các vật dụng thiết yếu cho đời sống sinh hoạt của nhiều gia đình. “Tiện ích” của chợ tự phát là người mua chỉ cần "sà" xe vào là có thể mua món hàng mình cần từ mớ rau, ký thịt đến...đủ thứ mà không cần phải qua “thủ tục” gởi xe rồi mới vào chợ như các chợ quy mô được nhà nước đầu tư xây dựng. Hơn thế nữa là không phải mất nhiều thời gian để đi chợ, nhất là đối với công nhân lao động, công chức, viên chức vốn thường rất “vội” sau giờ làm vào buổi trưa để còn thời gian cho sinh hoạt gia đình; đồng thời giá cả cũng rất “phải chăng”...

Chợ tự phát nhóm họp trên đường giao thông xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn. Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, “lợi bất cập hại”. Chợ tự phát do không có ai quản lý nên đầu tiên là choáng chỗ, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan trong khu dân cư. Một khi chợ ngày càng “phình” ra thì rác thải, nước thải... vứt, đổ vô tội vạ, lâu ngày tích tụ gây ô nhiễm môi trường sống của nhiều hộ dân cư xung quanh. Đó là chưa nói đến chất lượng hàng hóa cũng không đảm bảo do nhu cầu cần mua rẻ của người tiêu dùng, ngay cả hàng nông sản cũng khó đoán biết là có bảo đảm an toàn thực phẩm hay không!.

Nguyên nhân chủ yếu để chợ tự phát là do sự buông lỏng quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, cụ thể là từ “ông” quản lý thôn, khu phố. Cho nên từ “chợ chạy” không dẹp ngay đến khi phát triển thành chợ... “ngồi” thì khó giải tán hoặc có chăng cũng như “bắt cóc bỏ dĩa” mà thôi. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để dẹp các chợ tự phát này, trả lại sự thông thoáng, vệ sinh cho khu dân cư?. Theo lãnh đạo một số địa phương thì xem đây như là sự đã rồi, đồng thời có người còn lập luận rằng đây cũng là tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người dân!. Cho nên cấm buôn bán tại các chợ này cũng... ngại mà thực chất là không “cấm” được. Tuy nhiên, không phải là hết cách. Kinh nghiệm từ một số địa phương: Đầu tiên, cần xử lý ngay từ lúc mới “manh nha”, không để họp thành chợ. Kế đến, cần tìm hiểu những người có nhu cầu mua bán để tạo điều kiện về điểm kinh doanh tại các chợ đã có ở địa phương. Ba là, đối với những hộ “tự sản, tự tiêu” theo mùa vụ cần hướng cho bà con bán hàng những nơi thuận tiện, đồng thời cam kết giữ vệ sinh môi trường… Suy cho cùng, vấn đề quan trọng vẫn là chính quyền địa phương có kiên quyết và việc xử lý này có thấu tình đạt lý hay không mà thôi.