Hoạt động khoa học, công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà

(NTO) Hoạt động Khoa học và Công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011- 2015 đánh dấu bước chuyển biến tích cực, nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

Trong 5 năm, có 50 đề tài, dự án đã được chuyển giao phát huy hiệu quả, phục vụ sản xuất phát triển bền vững. Nổi lên trong lĩnh vực nông nghiệp là lai tạo thành công giống nho NH01-152 năng suất và chất lượng cao, có khả năng thay thế giống nho NH01- 48 đang bị thoái hóa. KH&CN cũng đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, như sản xuất rau, nho, táo… theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh Vương Thương ở thôn Công Thành (xã Thành Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)
đưa giống nho mới NH01-152 vào sản xuất cho năng suất và chất lượng cao.

Riêng đối với sản xuất lúa, đáng kể nhất là ứng dụng có kết quả mô hình “1 phải, 5 giảm”. Mô hình bắt đầu triển khai thí điểm ở xã Phước Hậu (Ninh Phước) cách đây 3 năm, quy mô 10 ha, đến nay đã nhân rộng ra toàn tỉnh với diện tích 4.000 ha. Kết quả, năng suất lúa theo mô hình đạt 8 - 9 tấn/ha, cao hơn sản xuất truyền thống 20-30%, lợi nhuận cao hơn 7 - 12 triệu đồng/ha.

Ở lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, thành tựu đáng kể nhất là nghiên cứu thành công 12 quy trình sản xuất thực phẩm từ rong biển, ly trích các hoạt chất AZL từ cây neem và hiện đang thử nghiệm để tiến tới sản xuất thương mại. Hạn chế của sản xuất nông nghiệp lâu nay là mới dừng lại ở sản phẩm thô, cho nên thành công trong việc áp dụng khoa học vào chế biến hàng nông sản hứa hẹn tạo thêm chuỗi giá trị mới.

Nhìn lại 5 năm hoạt động, KH&CN có vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trong bối cảnh hiện nay, KH&CN thực sự là “bà đỡ” để doanh nghiệp hướng tới mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế. Giai đoạn này, có 65 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ về đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế. Quy mô, phạm vi hỗ trợ của chương trình ngày càng được mở rộng, các hình thức, lĩnh vực hỗ trợ đa dạng hơn, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ tăng hơn 4 lần so với giai đoạn 2006-2010. Thông qua hoạt động hỗ trợ, đã khuyến khích nhiều doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nâng cấp công nghệ, cải tiến hợp lý hóa sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nhất là nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm đặc thù của địa phương như: nho, táo, tỏi, gốm, dệt thổ cẩm…. phục vụ tốt nhu cầu phát triển các làng nghề.

Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, nhìn nhận: Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thời gian qua được triển khai có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhận thức và quan tâm đầu tư về KH&CN của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân ngày càng được nâng lên. Xu thế hội nhập quốc tế cùng với sự phát triển nhanh của KH&CN đã tạo cơ hội để người dân vươn lên làm giàu. Đơn cử, nông dân sử dụng giống nho NH01-152 sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mỗi năm có thể thu lãi trên dưới 1 tỷ đồng/ha. Hoạt động KH&CN cũng đã hướng vào các đề tài, dự án tập trung, trọng điểm là phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh như Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tuy vậy, hoạt động KH&CN giai đoạn 2011-2015 còn bộc lộ những hạn chế cần phải khắc phục để tạo bước đột phá ở giai đoạn tới. Hạn chế nhất là trình độ KH&CN còn thấp, chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số đề tài, dự án KH&CN sau khi nghiệm thu không thể nhân rộng do hiệu quả ứng dụng thấp. Cụ thể như: Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các giải pháp KH&CN nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường vùng khan hiếm nước Ninh Thuận và Bình Thuận” phòng chống hoang mạc hóa; đề tài “Nghiên cứu, đánh giá tính thích ứng giải pháp kỹ thuật phát triển Nopal”. Ngoài ra, còn có một số mô hình ứng dụng KH&CN không phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh, không phổ biến, nhân rộng được, như: mô hình “Trồng tre măng thương phẩm giống Điềm Trúc”, mô hình “Nuôi thử nghiệm gà H’Mông”…

Kinh nghiệm rút ra từ hoạt động thực tiễn, đó là KH&CN không thể thực sự phát triển và trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nếu chưa đảm bảo đủ nguồn lực. Trong điều kiện hiện nay, không thể đầu tư phát triển KH&CN một cách dàn trải trên tất cả lĩnh vực mà cần tập trung phù hợp với thế mạnh của tỉnh. Do vậy, yêu cầu đặt ra cho hoạt động KH&CN giai đoạn 2016-2020 là phải thay đổi tư duy, cơ chế chính sách theo Luật KH&CN sửa đổi. Xác định việc phát huy và phát triển KH&CN là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chứ không riêng một ngành nào.