Kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở Thành Hải

(NTO) Bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, xã Thành Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đã huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội, đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM.

Có thể nói, hiện nay, diện mạo nông thôn ở Thành Hải có nhiều khởi sắc. Không riêng gì điện, đường, trường học hoàn thiện, mà ở 5 thôn có thêm nhiều ngôi nhà xây mới. Đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã, tự hào: Từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động được trên 28 tỷ đồng xây dựng NTM; trong đó, nhà nước hỗ trợ gần 19,45 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 6,9 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ 2,5 tỷ đồng. Con số này minh chứng, xã đã huy động được nguồn lực khá lớn từ sức dân để xây dựng NTM.

 
Anh Vương Thương ở thôn Công Thành làm giàu từ chuyển đổi một phần đất lúa sang trồng nho có hiệu quả.

Về Thành Hải, chúng tôi nghe những câu chuyện thể hiện ý thức trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng rất cao. Đó là cuối năm 2014, anh Nguyễn Ngọc Sơn (thôn Tân Sơn 2) đã chi 27 triệu đồng hỗ trợ các hộ hiến đất mở rộng đường nội thôn. Nói về việc làm của mình, anh Sơn bộc bạch: Xây dựng NTM là phục vụ lợi ích cho chính mình, tôi đóng góp thêm vào làm đường có thiệt đâu mà so đo, tính toán. Trước đây, đường đất nhỏ hẹp, đi lại khó khăn, từ khi đổ bê-tông thông thoáng, xe tải, xe hơi vào ra thuận tiện, bà con rất phấn khởi.

Nhờ có sự đồng thuận của dân, trong 4 năm qua, xã Thành Hải đã triển khai thi công 14 tuyến đường nội thôn, nội đồng, với tổng chiều dài 9,12 km. Hiện nay, 100% trục đường liên xã và gần 95% trục đường nội thôn đã được cứng hóa. Đến thôn Công Thành nằm về phía Tây Bắc của xã, nơi làng quê mà gần như đã chuyển dần sang “phố”. So với trước đây, đường sá ở thôn rộng hơn, nhà cửa cao hơn, đời sống của người dân khá giả hơn. Đây là thôn đi đầu trong toàn xã thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất mới, cho thu nhập cao. Theo chân anh Trần Như An, Trưởng Ban Quản lý thôn, chúng tôi đến thăm gia đình tiêu biểu Trương Văn Mười trong phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm 2012, anh Mười chuyển đổi 2 sào chuối sang trồng ổi. Hiện nay, bình quân mỗi tuần anh thu hoạch 2 tạ ổi, bán được 1,8 triệu đồng, tính ra cao hơn nhiều lần so với trồng chuối. Không riêng anh Mười, mà ở địa phương còn có rất nhiều hộ làm kinh tế giỏi. Cách tổ chức sản xuất của bà con là không chạy theo phong trào, mà luân chuyển nhiều đối tượng cây trồng khác nhau, nên đầu ra rộng, sản phẩm làm ra bán được giá cao. Anh Vương Thương làm 1 sào nho vừa bán lứa đầu được 70 triệu đồng, cho biết: Trong điều kiện đất hạn hẹp, để có thêm thu nhập, năm 2013, tôi đã chuyển 1 sào đất lúa sang trồng nho và hiện đang tiếp tục trồng thêm 1 sào mới.

Thành Hải đạt được mức thu nhập 31 triệu đồng/người/năm là nhờ chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình, ưu tiên xây dựng các vùng sản xuất tập trung, định hướng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như nho, táo, ổi…. Trong 4 năm qua, bên cạnh thành công mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, địa phương còn xây dựng được vùng trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi vịt đàn lấy trứng, bò sinh sản… đã khẳng định được ưu thế vượt trội về thu nhập, là cơ hội làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Xã đã thành lập được 2 tổ hợp tác dịch vụ làm đất và thu hoạch lúa và 1 tổ hợp tác nuôi bò sinh sản. Hoạt động của các tổ hợp tác đã khai thác và sử dụng nguồn lực lao động tại chỗ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tăng thêm thu nhập cho các thành viên. Nhờ xã tập trung các giải pháp phát triển sản xuất nên đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ 8,18% năm 2011, xuống còn 2,41% hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Đức Thắng chia sẻ kinh nghiệm: Để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Thành Hải đã tranh thủ mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia góp sức thực hiện. Mọi việc làm từ xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng, đến nâng cấp, sửa chữa các công trình dân sinh… xã đều đưa ra bàn bạc trước dân, theo phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”- đây chính là “chìa khóa” dẫn đến thành công.