Phát triển các quan hệ liên kết vùng - Điều kiện khai thác lợi thế phát triển kinh tế tỉnh Ninh Thuận

1. Khái quát về sự phát triển liên kết vùng

Phát triển quan hệ liên kết vùng, trong đó có quan hệ liên kết giữa các tỉnh trong một quốc gia, là yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển. Mỗi vùng bất kể quy mô và trình độ phát triển đến mức nào cũng đều có những lợi thế và yếu thế nhất định về tự nhiên, kinh tế và xã hội so với các vùng khác. Phát triển quan hệ liên kết vùng dưới những hình thức thích hợp là cách thức hữu hiệu để phát huy lợi thế, hạn chế yếu thế, tạo nên thế bổ sung, hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển. Nếu tổ chức tốt các quan hệ liên kết, mỗi vùng sẽ khắc phục được tình trạng phân tán, dàn trải, để phát triển theo hướng chuyên môn hóa và từ đó phát huy được hiệu quả kinh tế theo quy mô.

Đó là những vấn đề đã được khẳng định về lý thuyết, nhưng trong thực tế ở Việt Nam, các quan hệ liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh còn hết sức yếu ớt, một số quan hệ mang tính hình thức và chưa phát huy được tác dụng mong muốn. Với thể chế kinh tế và phân cấp quản lý hiện nay cùng với tư duy nhiệm kỳ, tính cục bộ bản vị địa phương đã dẫn đến tình trạng 63 tỉnh, thành phố được coi là “63 nền kinh tế” do xu hướng phát triển “khép kín” trong phạm vi địa phương.

1 Trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ liên kết được phát triển dưới nhiều hình thức đa dạng với những phạm vi khác nhau. Bài viết này giới hạn vào một số khía cạnh của liên kết vùng theo nghĩa liên kết giữa các địa phương (các tỉnh) trong phạm vi một quốc gia.

Có thể nêu ra một số bằng chứng minh họa cho tình trạng này:

- Tình trạng rầm rộ phát triển đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng (bến cảng, sân bay…), khu đô thị, khu công nghiệp ở tất cả các địa phương. Tình trạng này đồng nghĩa với việc dàn trải và hiệu quả thấp trong đầu tư phát triển.

- Tính tương tự trong cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu sản phẩm chủ lực của các địa phương do chỉ chú ý xác định và khai thác các nguồn lực ở địa phương. Hệ lụy tất yếu của tình trạng này là các chủ thể kinh tế gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa và sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

- Đã xuất hiện tình trạng tranh chấp tài nguyên và đùn đẩy trách nhiệm trong việc xử lý ô nhiễm môi trường giữa các địa phương có ranh giới liền kề nhau.

- Các tỉnh, thành phố thực hiện riêng rẽ hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước.

- Tình trạng cạnh tranh giữa các địa phương trong việc thu hút đầu tư bằng việc tạo ra những ưu đãi đặc biệt với các nhà đầu tư, thiếu cân nhắc tính toán lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích địa phương và lợi ích quốc gia…

Sự phát triển mang đậm nét “biệt lập, khép kín” này sẽ không phát huy được đầy đủ và có hiệu quả các lợi thế đặc thù, không hạn chế được những yếu thế cố hữu, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức mạnh kinh tế của địa phương và của quốc gia.

Nhằm khắc phục tình trạng này, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020 được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra yêu cầu: “Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và có cơ chế, chính sách phù hợp để các vùng trong cả nước cùng phát triển, phát huy lợi thế của từng vùng, tạo sự liên kết giữa các vùng”.1

2. Nhận diện lợi thế và yếu thế, cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Thuận

Trên cơ sở tổng hợp tài liệu từ các nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, cũng như các quy hoạch ngành (công nghiệp và thủ công nghiệp; nông, lâm, ngư nghiệp; du lịch) đã được phê duyệt, xin tổng hợp các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận trong ma trận SWOT (Strengths - Điểm mạnh; Weaknesses - Điểm yếu; Opportunities - Cơ hội; Threats - Nguy cơ) dưới đây.

1 Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr.119. 

Việc xây dựng chính xác ma trận SWOT có vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo lập luận cứ khoa học để xác định đúng đắn phương hướng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Từ ma trận SWOT của tỉnh Ninh Thuận đã được phác họa khái quát trên đây, xin nhấn mạnh mấy điểm:

- Các lợi thế của tỉnh Ninh Thuận chủ yếu tồn tại dưới dạng tiềm năng trong việc phát triển các trọng điểm về công nghiệp, nông - ngư nghiệp và du lịch. Việc khai thác và phát huy tiềm năng này vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phụ thuộc vào nhiều điều kiện, trong đó có hai điều kiện cơ bản: 1/ Tính năng động và hiệu quả của các cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh trong lãnh đạo và quản lý điều hành; 2/ Sự sẵn sàng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với việc khai thác tiềm năng của tỉnh. Hai điều kiện này có quan hệ tương hỗ, ước định lẫn nhau: nhà đầu tư mong muốn thực hiện đầu tư để thu lợi cho mình và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh khi có sự ủng hộ, tạo điều kiện và “đồng hành” của các cấp lãnh đạo tỉnh; tỉnh bảo đảm cho các nhà đầu tư những điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ các quy định của luật pháp và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Trong khi phần lớn các điểm mạnh của tỉnh Ninh Thuận tồn tại dưới dạng tiềm năng, thì các điểm yếu lại đang hiện hữu. Các điểm yếu này cũng đồng thời là các khó khăn cản trở lớn với việc thực hiện mong muốn có sự phát triển đột phá về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong những loại khó khăn cản trở ấy, có loại có thể khắc phục trong ngắn hạn với nguồn lực đầu tư không lớn (chẳng hạn, cải thiện các tiêu chí xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI), có loại đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực đầu tư lớn (chẳng hạn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế).

- Các cơ hội phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh có được chủ yếu từ sự quan tâm, hỗ trợ ngày càng nhiều hơn của Trung ương với tỉnh Ninh Thuận. Các cơ hội này là hiện thực thể hiện qua những quyết định về chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh các công trình trọng điểm quốc gia có quy mô lớn và phạm vi ảnh hưởng rộng. Việc hiện thực hóa các cơ hội này và phát huy vai trò của nó đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phụ thuộc vào: 1/ Khả năng và điều kiện cân đối các nguồn lực của Nhà nước cho việc thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia; 2/ Khả năng của tỉnh trong việc bảo đảm các điều kiện tại chỗ cho việc triển khai các công trình này và phát huy ảnh hưởng lan tỏa của chúng tới phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Từ những nội dung trình bày trên có thể thấy, tính năng động, sự nỗ lực chủ quan của tỉnh Ninh Thuận là yếu tố quyết định trong việc thực hiện yêu cầu tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đó là vấn đề mang tính nguyên lý, song trong thực tế, sự nỗ lực ấy chỉ có thể mang lại kết quả mong muốn khi tạo lập được các quan hệ liên kết có hiệu quả và bền chặt với các chủ thể ở các địa phương khác. Quan hệ liên kết này là điều kiện để phát huy lợi thế, biến tiềm năng thành hiện thực, tranh thủ các cơ hội và hạn chế các điểm yếu của tỉnh Ninh Thuận trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng tiếc là, mặc dù thừa nhận “Tính kết nối với trung tâm kinh tế lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng còn hạn chế”, nhưng các giải pháp đề ra trong các quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, các giải pháp về thiết lập và phát triển các quan hệ liên kết vùng chưa được chú trọng đúng mức.

3. Một số khuyến nghị phát triển quan hệ liên kết của tỉnh Ninh Thuận với các địa phương trong nước

* Đổi mới nhận thức về tư duy phát triển vùng và liên kết vùng

Nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí của phát triển kinh tế vùng trong hệ thống kinh tế quốc dân và vai trò của liên kết vùng trong hệ thống các quan hệ quản lý kinh tế vĩ mô, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quan điểm phát triển chung và vì lợi ích phát triển toàn cục, quốc gia, trong đó có lợi ích kinh tế - xã hội của từng địa phương. Điều cần thiết là khắc phục tư tưởng bản vị, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, xây dựng tinh thần sẵn sàng chia sẻ cơ hội và kinh nghiệm phát triển giữa các địa phương.

Sự đổi mới này trước hết phải từ cấp lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Từ sự đổi mới tư duy nhận thức này, chủ động nghiên cứu và thiết lập quan hệ liên kết với các địa phương khác theo nội dung và hình thức thích hợp. Đó là cơ sở để chỉ đạo điều hành hoạt động của các bộ phận trong bộ máy các cơ quan Đảng và chính quyền, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

* Đa dạng hóa các nội dung, hình thức và chủ thể liên kết trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

Tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng của các chủ thể trên địa bàn, các quan hệ liên kết có thể bao gồm:

- Liên kết giữa khai thác, sản xuất nguyên liệu với chế biến nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm: khai thác - chế biến khoáng sản; sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông, hải sản...

- Liên kết, phối hợp trong việc sản xuất một loại sản phẩm công nghiệp gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ (may mặc, giày dép, lắp ráp sản phẩm cơ khí,…).

- Liên kết trong khai thác các sản phẩm du lịch, mạng lưới cơ sở vật chất phục vụ du lịch, tổ chức các tour du lịch (với Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng).

- Liên kết trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư; liên kết trong việc thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư.

- Liên kết trong trao đổi kinh nghiệm phát triển và quản lý thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Liên kết, phối hợp trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

- Liên kết, phối hợp trong nghiên cứu khoa học giải quyết các vấn đề có tính chất phổ biến của nhiều doanh nghiệp…

Các chủ thể tham gia liên kết vùng là các chủ thể có nhu cầu và có khả năng phối hợp với các chủ thể khác để giải quyết có hiệu quả các vấn đề đặt ra. Đó là các tổ chức kinh doanh, hiệp hội ngành nghề, cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước…

* Nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành

Các quy hoạch này phải dựa trên tầm nhìn toàn vùng trong phát triển, vì sự phát triển chung của cả vùng và cả nước, chủ động tranh thủ cơ hội tiếp nhận sự tác động lan tỏa của các địa phương khác thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đặc biệt là Đà Nẵng, và Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung điều chỉnh bao hàm trên cả hai khía cạnh: 1/ Nội dung định hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế theo hướng tập trung vào những ngành có lợi thế nổi trội, phát triển chuyên môn hóa; 2/ Các giải pháp thực hiện, trong đó tính đến mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau thông qua phát triển liên kết vùng.

* Chủ động xâ y dựng và thực hiện chương trình dài hạn về liên kết với các địa phương khác trong phát triển kinh tế - xã hội

Từ Quy hoạch tổng thể và Quy hoạch ngành đã được phê duyệt, tỉnh cần xây dựng Chương trình liên kết dài hạn (5 năm) với các địa phương khác trong phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình này sẽ xác định mục tiêu, nội dung và hình thức liên kết, các đối tác chủ yếu dự kiến thiết lập quan hệ liên kết.

Chương trình 5 năm về liên kết kinh tế sẽ được cụ thể hóa thành kế hoạch hoạt động từng năm, trong đó xác định rõ các nội dung, hình thức liên kết, các đối tác chính sẽ tham gia, thời hạn thực hiện và trách nhiệm của các bên tham gia.

Từ chương trình, kế hoạch liên kết, các đối tác tham gia liên kết sẽ phối hợp với nhau để xây dựng các dự án liên kết với các nội dung cụ thể. Dự án liên kết này sẽ là cơ sở để hình thành hợp đồng liên kết ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia liên kết (chủ yếu là các doanh nghiệp).

Việc tổ chức và điều phối thực hiện quan hệ liên kết giữa tỉnh và các địa phương khác sẽ được giao cho Văn phòng Phát triển kinh tế tỉnh dưới sự chỉ đạo và kiểm tra của ủy ban nhân dân tỉnh.

* Kiến nghị với Nhà nước

- Nghiên cứu điều chỉnh vai trò và vị trí của kinh tế tỉnh, coi vùng là phạm vi không gian hợp lý để tổ chức hoạt động kinh tế trong khuôn khổ nền kinh tế quốc gia thống nhất.

- Hình thành một tổ chức trực thuộc Chính phủ đảm trách việc điều phối quan hệ liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng kinh tế.