Nông dân Tuấn Tú vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình rau an toàn

(NTO) Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, mô hình sản xuất rau an toàn (RAT) ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp nông dân nâng cao đời sống, nuôi con ăn học, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Toàn thôn hiện có 432 hộ, với 2.017 nhân khẩu. Đời sống nhân dân dựa vào 60 ha ruộng lúa và 59 ha đất màu trồng hành, đậu phộng, cà rốt… Nguồn nước tưới chủ yếu được lấy từ mạch nước ngầm dưới chân động cát. Trong điều kiện tự nhiên không thuận lợi và người dân chỉ canh tác theo tập quán truyền thống nên sản lượng và chất lượng nông sản không cao. Từ năm 2010, được sự vận động, hỗ trợ của Nhà nước, đến nay đã có 159 hộ đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo mô hình RAT.

Nông dân Tuấn Tú chăm sóc cây hành.

Thông qua các lớp tập huấn, bà con được hướng dẫn từ khâu làm đất cho đến phòng ngừa sâu bệnh, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản… Không những thế, mỗi hộ còn được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Là một nông dân sản xuất giỏi tại địa phương, ông Kiều Rạm cho biết, trước đây gia đình ông cũng đã trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng do điều kiên tự nhiên không thuận lợi, cùng với việc sản xuất theo tập quán cũ nên hiệu quả không cao. Từ năm 2010, gia đình ông mạnh dạn chuyển 7 sào đất sang canh tác theo mô hình RAT, với các loại hoa màu theo thời vụ như: đậu phộng, dưa leo, cà rốt, dưa hấu, hành lá, cải trắng… Trừ các chi phí, mỗi năm gia đình ông lãi trên 80 triệu đồng. Nhờ sản xuất có hiệu quả, gia đình đã sửa nhà cửa khang trang hơn, mua sắm xe máy và nhiều tiện nghi sinh hoạt khác. Vừa qua, vườn nhà ông còn được Sở Khoa học và Công nghệ chọn thí điểm trồng RAT trong Hệ thống nhà lưới. Đây là 1 trong 3 nhà lưới đầu tiên ở xã An Hải, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cùng chung niềm phấn khởi, gia đình ông Hùng Ky vừa được Hội Nông dân Ninh Phước tặng giấy khen “3 năm liền nông dân sản xuất giỏi”, với hệ thống phun tưới nước do gia đình chủ động lắp đặt để phục vụ cho 2,5 ha rau, củ đang canh tác theo mô hình RAT. Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà khang trang của mình, ông cho biết: Mỗi năm, gia đình thu về khoảng 200 triệu đồng từ việc trồng rau. Nhờ vậy mà có tiền để xây cất lại nhà, “tậu” xe máy và nuôi con cái ăn học. Con gái Hùng Thị Vy hiện đang theo học năm thứ hai Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh.

“Mô hình RAT đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Nhờ đó, số hộ nghèo giảm từ 34% (năm 2010) xuống còn 27% năm 2014. Hiện nay, toàn thôn có trên 50 sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Bà con cũng rất tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Địa phương đã hoàn thành bê-tông hóa 1.500 m đường giao thông nội thôn, dự kiến sẽ bê-tông thêm 500 m đường trong năm 2015”, ông Kiều Thanh Thoàng, Trưởng Ban Quản lý thôn Tuấn Tú phấn khởi cho biết.