Tiềm năng và định hướng thu hút đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận

I/ Giới thiệu tổng quát về tỉnh Ninh Thuận:

1. Khái quát về Ninh Thuận:

Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí thuận lợi nằm trên giao điểm 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên, là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ với các tỉnh Tây nguyên và Nam Trung bộ, cách:

+ Sân bay quốc tế Cam Ranh 60 km

+ Cảng biển Cam Ranh (có khả năng tiếp nhận tàu 50.000 tấn) 40 km và cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong 150km.

- Tuyến đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc Bắc-Nam đoạn nối từ thành phố Hồ Chí Minh -Nha Trang đi qua địa bàn Ninh Thuận theo kế hoạch của Chính phủ sẽ thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020.

Diện tích tự nhiên 3.358 km2, dân số 590.360 người, Ninh Thuận có 7 đơn vị hành chính (1 thành phố, 6 huyện), trong đó, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2006 - 2013 đạt 10,7%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2014: 26,8 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế năm 2014: nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 38,5%; công nghiệp và xây dựng chiếm 23,8%; dịch vụ chiếm 37,7%. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 55 triệu USD. Tổng thu ngân sách năm 2014 đạt 1.700 tỷ đồng.

Ninh Thuận có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng khô nóng, bốc hơi mạnh, độ mặn nước biển cao; tốc độ gió lớn nhất cả nước (trung bình 7,5m/s); ngoài ra, số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước (7,7 giờ mỗi ngày) với cường độ bức xạ khá lớn. Có thể nói, Ninh Thuận là địa bàn có điều kiện lý tưởng để phát triển năng lượng sạch (năng lượng gió và mặt trời), và công nghiệp sản xuất muối…Bên cạnh đó, khí hậu khô hạn đã tạo cho Ninh Thuận có thể phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù có năng suất, chất lượng cao, sản xuất được quanh năm. Ngoài cây nho với sản lượng hàng năm ổn định từ 60.000 - 65.000 tấn dùng cho chế biến rượu nho, nho khô... các sản phẩm khác như mía cây, táo, neem, thịt gia súc (bò, dê, cừu)... với sản lượng lớn, có thể mở rộng quy mô, diện tích, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Là tỉnh nằm trong vùng du lịch trọng điểm của cả nước, lại có bờ biển dài 105km với nhiều bãi tắm đẹp và nổi tiếng như Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Vĩnh Hy, môi trường nư¬ớc biển trong sạch, thời tiết nắng ấm quanh năm nên Ninh Thuận có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch biển.

Hiện tại Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, chủ trương của Chính phủ triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia xây dựng 02 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, thúc đẩy mạnh việc gia tăng tính kết nối phát triển Ninh Thuận với các tỉnh trong vùng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là nâng cấp tuyến đường từ Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đến Phan Rang và xây dựng mới tuyến đường ven biển dài 105 km đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2015, sẽ thực sự mang lại lợi ích nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như tạo thời cơ và động lực mới cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

2. Về cơ sở hạ tầng:

- Giao thông: Mạng lưới giao thông Ninh Thuận khá thuận lợi, nằm ở giao điểm 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1 A, đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên. Trong thời gian đến, tỉnh sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường giao thông kết nối để tận dụng khai thác lợi thế về hạ tầng cảng biển, sân bay của các tỉnh trong khu vực tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh, mà trọng tâm là tuyến đường ven biển (dài 116Km), và tuyến đường cao tốc từ sân bay quốc tế Cam Ranh đến thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

Đầu tư Cảng nước sâu Cà Ná trở thành cảng hàng hóa khu vực theo quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia của Chính phủ (có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 300 ngàn tấn).

- Thủy lợi: Có 14 công trình thủy lợi lớn được đầu tư với tổng trữ lượng 137 triệu m3 đảm bảo nước tưới cho hơn 42% đất nông nghiệp. Đến năm 2015 tỉnh sẽ tập trung triển khai nhiều công trình thủy lợi lớn như hồ Tân Mỹ, sông Than, sông Biêu với tổng trữ lượng khoảng 350 triệu m3 nước đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.

- Cấp điện: Tỉnh Ninh Thuận được cấp điện từ lưới điện quốc gia 220 KV, 110 KV với nguồn cấp trực tiếp là nhà máy thuỷ điện Đa Nhim công suất 160 MW. Ngoài ra còn được sự hỗ trợ của các nguồn điện tại chỗ là thuỷ điện Sông Pha công suất 7,5 MW (5 x 1,5 MW), nhà máy thủy điện Sông Ông công suất 8,1 MW (3 x 2,7 MW).

Theo quy hoạch Ninh Thuận là nơi xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân (tổng công suất khoảng 8.000 MW) và các dự án điện gió, điện mặt trời (công suất dự kiến khoảng 2.000MW) đảm bảo nguồn cung cấp điện cho sinh hoạt và phát triển công nghiệp.

- Cấp nước: Hiện tại có 4 hệ thống công trình cấp nước tập trung có qui mô lớn tổng qui mô trên 80 ngàn m3 /ngày đêm gồm Nhà máy nước Phan Rang – Tháp Chàm quy mô 52.000 m3/ngày đêm, nhà máy nước Cà Ná-Phước Nam qui mô 30.000 m3 /ngày- đêm, Nhà máy nước Tân Sơn quy mô 1.000 m3/ngày, Nhà máy nước Phước Dân quy mô 1.000 m3/ngày, đảm bảo cung cấp nước cho Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, các thị trấn, các vùng phụ cận và các khu, cụm công nghiệp.

- Hệ thống khu, cụm công nghiệp: Ninh Thuận hiện có KCN Du Long (407,28 ha) thuộc huyện Thuận Bắc; KCN Phước Nam (370 ha, giai đoạn I: 141 ha) huyện Thuận Nam; và một số cụm công nghiệp. Các khu, cụm công nghiệp của tỉnh có địa chất ổn định, thuận lợi về giao thông và các dịch vụ điện, nước và hạ tầng thiết yếu khác được đảm bảo.

II/ Định hướng thu hút đầu tư của tỉnh:

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định mục tiêu phát triển đến năm 2020: Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt nam trong tương lai, kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo mô hình kinh tế “xanh, sạch”, tốc độ tăng GDP bình quân 18-19%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 1.400 USD và đến năm 2020 đạt 2.800 USD bằng 85% thu nhập bình quân đầu người của cả nước.

Ưu tiên phát triển 6 nhóm ngành trụ cột gồm : (1) năng lượng; (2) du lịch; (3) nông lâm, thủy sản; (4) công nghiệp; (5) giáo dục và đào tạo và (6) xây dựng và kinh doanh bất động sản, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 6 cụm ngành này đóng góp 91% GDP và giải quyết 85% lao động của toàn xã hội :

1/ Lĩnh vực năng lượng: theo quy hoạch của Chính phủ, Ninh Thuận sẽ trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước với trọng tâm là hai nhà máy điện hạt nhân có tổng công suất 8.000 MW, tổng vốn đầu tư 12 tỷ USD.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5m/s, lý tưởng để phát triển điện gió. Toàn tỉnh hiện có 15 vùng gió tiềm năng, khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở hai huyện Ninh Phước và Thuận Bắc. Đặc biệt là Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6 m/giây, đảm bảo ổn định cho Turbin gió phát điện.

Ngoài ra, với số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước (7,7 giờ mỗi ngày), cường độ ánh sáng lớn, Ninh Thuận cũng là địa bàn lý tưởng phát triển năng lượng mặt trời, đây là lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên kêu gọi đầu tư.

Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời ở các khu vực có tiềm năng theo quy hoạch phát triển, với qui mô 2.600 MW; chế tạo thiết bị Turbin gió và các công nghiệp, dịch vụ phụ trợ ngành năng lượng hạt nhân, năng lượng gió...Thu hút đầu tư các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời ở các khu vực có tiềm năng theo quy hoạch phát triển, với qui mô 2.600 MW,

2/ Lĩnh vực du lịch: Với lợi thế nằm trong tam giác du lịch trọng điểm Đà Lạt - Nha Trang và Mũi Né (Bình Thuận) được xác định là một trong những trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bờ biển dài 105 km có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Vĩnh Hy... thuận lợi cho việc hình thành các khu du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng cao cấp có tính cạnh tranh cao tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế với quy mô diện tích lớn, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Thuận.

Ninh Thuận đang còn tồn tại nhiều công trình kiến trúc cổ Chămpa và nhiều làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm và làm đồ gốm của người Chămpa con nguyên sơ và độc đáo. Dọc bờ biển từ An Hải đến Mũi Dinh có rất nhiều đồi cát rộng, đẹp sát biển, nổi bật là đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh có quy mô lớn rất phù hợp để phát triển các loại hình du lịch văn hoá, thể thao mạo hiểm, xây dựng trường đua môtô trên cát tạo nét khác biệt, đặc sắc riêng có của Ninh Thuận.

Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Xây dựng các villa, khu nghĩ dưỡng cao cấp ven biển; khách sạn tiêu chuẩn quốc tế từ 5 sao trở lên; các loại hình du lịch câu lạc bộ du thuyền, thể thao trên biển; du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.

3/ Nông nghiệp, thuỷ sản: Ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị gia tăng cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để có sức cạnh tranh cao, tạo sản phẩm hàng hoá đặc trưng cho tỉnh như cây nho, cây Neem…. Phát triển mạnh ngành chăn nuôi vốn là thế mạnh của tỉnh với các loại vật nuôi như bò, dê, cừu; mở rộng diện tích muối công nghiệp để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp sau muối; xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao của cả nước, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của khu vực.

Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Thành lập các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ về nông nghiệp, giống thủy sản chất lượng cao; Xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu; nhà máy chế biến các sản phẩm từ nho; nhà máy chế biến thịt gia súc gia cầm...;

4/ Về sản xuất công nghiệp: Phát triển các loại hình công nghiệp sạch, không ảnh hưởng đến môi trường, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh sử dụng năng lượng sạch, tạo thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Các dự án sản xuất Turbin gió, đóng tàu du lịch (thuyền buồn); Sản xuất thiết bị y tế và sản xuất các loại động cơ xe máy sử dụng năng lượng tái tạo; nhà máy sản xuất ô tô ”sạch”;

5/ Lĩnh vực giáo dục đào tạo: Với mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho khu vực, Ninh Thuận đang kêu gọi các dự án đầu tư thành lập lập trường đại học, trường đào tạo nghề tiêu chuẩn quốc tế, có tính cạnh tranh cao nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển của tỉnh và các tỉnh trong khu vực.

Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Thành lập các Trường đại học, Trường dạy nghề tiêu chuẩn quốc tế các lĩnh vực năng lượng, cơ khí chế tạo và du lịch

6/ Về xây dựng và bất động sản: Khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai nhất là ở vùng ven biển để hình thành các khu đô thị, khu dân cư mới, khu, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường... nhằm tạo môi trường sống tốt, thu hút nguồn lao động có chất lượng cao.

Các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư: Xây dựng các khu, cụm công nghiệp; Xây dựng hạ tầng giao thông; dự án xử lý chất thải; Xây dựng các khu đô thị, trung tâm thương mại quy mô lớn; Bệnh viện chuyên khoa tiêu chuẩn quốc tế; Xây dựng cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng biển.

III/ Về chính sách khuyến khích đầu tư.

1. Về hỗ trợ thủ tục đầu tư: Ninh Thuận là một trong những tỉnh đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, trong năm 2010, Ninh Thuận đã thành lập và đưa vào hoạt động Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) - đây là mô hình mới, thành lập theo ý tưởng của tư vấn Monitor và mô hình của Singapore. Các nhà đầu tư đến Ninh Thuận chỉ tiếp xúc với một đầu mối là EDO để hoàn thành các thủ tục từ thành lập doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, đất đai, xây dựng,... để triển khai dự án.

2. Về chính sách ưu đãi đầu tư:

Ninh Thuận thuộc địa bàn khuyến khích đầu tư được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất cả nước, đồng thời tỉnh chủ trương dành các ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Theo đó các nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, cụ thể:

a) Tiền thuê đất:

- Được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê đối với các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp; dự án BOT; các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được đầu tư vào địa bàn các huyện của tỉnh.

- Miễn tiền thuê đất 15 năm đối với dự án thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư và 11 năm đối với dự án đầu tư tại địa bàn các huyện của tỉnh.

- Miễn tiền thuê đất 03 năm đối với các dự án đầu tư thuộc Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư được đầu tư tại địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

- Được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa là 03 năm đối với toàn bộ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

- Được miễn tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê đối với dự án nông nghiệp thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn theo quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ.

Ngoài ra các dự án đầu tư vào Ninh Thuận sẽ được tỉnh hỗ trợ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư phù hợp với quy mô dự án.

Khu Công nghiệp Cà Ná – 1.000 ha

b) Về thuế thu nhập doanh nghiệp:

- Ưu đãi về thuế suất: Thuế suất ưu đãi 10% cho toàn bộ thời hạn hoạt động dự án áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn các huyện của tỉnh.

- Ưu đãi về miễn, giảm thuế:

+ Được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn các huyện của tỉnh.

+ Được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hoá đầu tư tại địa bàn các huyện và được miễn thuế0 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 05 năm tiếp theo khi đầu tư tại địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

Thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế, trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong ba năm đầu, kể từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư mới thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.

c) Thuế nhập khẩu: Được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định đối với các dự án thuộc Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, Danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.