Vấn đề hôm nay:

Chớ đùa với "Bà hỏa"!

(NTO) Ngay từ xa xưa, cha ông ta đã nhận thấy sự nghiêm trọng của cháy, nổ và rất có ý thức phòng chống. Cụ thể là trong “tam tai” (thủy, hỏa, đạo tặc), “bà hỏa” chỉ đứng sau “thủy” (lũ lụt) và được xếp trên cả “đạo tặc”.

Thực tế cũng đã chứng minh, ít có tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của con người như trong các vụ hỏa hoạn mà nguyên nhân gây cháy đôi khi chỉ bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ, một sự cố chập điện hoặc do những bất cẩn của con người mà ra… nhưng khi đã bùng phát thành đám cháy lại rất dữ dội. Trước cơn thịnh nộ của “bà hỏa”, con người chỉ có thể bất lực đứng nhìn ngọn lửa thiêu rụi những gì tích cóp trong cả một đời.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy tổ chức diễn tập tập huấn tại Công ty may Tiến Thuận.

Tỉnh ta đã và đang bước vào mùa khô khá gay gắt hơn mọi năm, điều đó càng làm cho xứ sở thiếu mưa nhưng thừa nắng, gió này càng thêm khô khốc, dễ tạo “cơ hội” cho “bà hỏa” tác oai, tác quái nếu thiếu cảnh giác!. Đáng nói là gần đây trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy, trong đó có vụ gây thiệt hại hàng tỷ đồng… Hậu quả của hỏa hoạn gần như ai cũng nhìn thấy nhưng trên thực tế, nhiều cơ quan, đơn vị và không ít gia đình vẫn còn thờ ơ với việc phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đơn cử như, nhiều công sở, cơ quan, đơn vị khi kiểm tra đều đảm bảo các trang thiết bị, điều kiện nhân lực, vật lực… về an toàn PCCC nhưng thực chất chỉ làm chiếu lệ, mang tính đối phó là chính. Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà thiếu các biện pháp PCCC nhằm bảo vệ tài sản và an toàn cho tính mạng người lao động. 

Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ từ điện cũng chưa được chú trọng, nhất là đối với người dân cả trong sản xuất và câu mắc điện trong gia đình. Thử đến nhiều vùng sản xuất nho, hành, tỏi…có sử dụng điện để bơm tưới hoặc các vùng dân cư nông thôn, ngoại ô thành phố sẽ thấy rất rõ điều này. Và chỉ đến khi cháy, nổ đã xảy ra, hoặc tận mắt chứng kiến hậu quả, người ta mới giật mình thức tỉnh. Sẽ là quá muộn nếu ý thức PCCC theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” này.

Cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và không loại trừ một ai. Tổ chức tốt PCCC tốt chính là hành động thiết thực nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản của chính mình và những người xung quanh và nhìn rộng hơn là góp phần bảo vệ thành quả của xã hội. Để làm được điều đó, yêu cầu đặt ra đầu tiên đó là, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, làm cho mọi người thấy được nguy cơ, nguyên nhân gây cháy và tác hại do cháy gây ra, để từ đó đề cao ý thức phòng ngừa. Mặt khác, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình và cá nhân tiến tới hình thành tinh thần hoàn toàn tự giác trong việc PCCC của từng cơ sở, từng gia đình theo nguyên tắc “ 4 tại chỗ “. Hai là, phê phán và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định an toàn PCCC. Đồng thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân, hộ gia đình thực hiện tốt PCCC…

Dân gian có câu “Phòng hỏa hơn cứu hỏa”. Nếu làm tốt công tác phòng ngừa ngay từ ban đầu thì chắc chắn sẽ “kềm chân” không để “bà hỏa” đến thăm, hoặc nếu có cũng sẽ hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra.