Tùy bút:

Ơn hoa

1. Xin thưa với bạn rằng, tựa đề của bài viết này, tôi đã mượn chữ của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để gởi đến những phụ nữ yêu quý trong đời: “Tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ/ Tạ ơn chim chiều hót cho cha”.

Thưa rằng, “một nửa thế giới” của chúng ta đang nuôi nấng nhân gian bằng đôi tay cần mẫn, đầy năng lượng vị tha và một trái tim thiên lương mà trời ban cho họ. Tôi biết những dòng ngẫm ngợi kia chỉ là nhắc lại một điều xưa cũ, từ thuở có người phụ nữ trên trái đất này. Họ có thể là những nữ anh tài, những danh nhân lừng lẫy trong lịch sử nhân loại ở một nơi nào xa lắm nhưng có thể họ quanh đây, gần lắm mà ta vẫn gặp gỡ mỗi ngày. Một cô giáo mầm non gần tuổi hưu nhưng vẫn hồn nhiên múa hát cùng với các bé thơ. Một cô công nhân vệ sinh lặng lẽ quét đường phố giữa đêm đông giá buốt, đã nhiều lần như thế, họ thầm lặng dọn dẹp tàn tích rác rưởi của những người vô ý vung vãi trên phố sau những cuộc vui, những đám đông nhộn nhịp ồn ào. Một thôn nữ đang cần cù chăm sóc lúa, rau và cả những cành hoa cúc vàng để đem chút ấm no và tươi đẹp cho đời. Và nữa, những nữ sinh đang tung tăng áo trắng đến trường đã là những con ngoan trò giỏi trước khi trở thành những người vợ, người mẹ biết thương yêu và chăm sóc gia đình…

2. Câu chuyện của một người bạn thân làm tôi ít nhiều ray rức. Anh kết hôn muộn màng vì trước đó anh vốn bằng lòng với cuộc sống khá tự do và phong cách sinh hoạt khá phóng túng của mình. Sắp bước vào tuổi bốn mươi nhưng anh vẫn lặng lẽ một mình. Thế rồi không biết vì sợ ba mẹ âu lo hay vì duyên số mà anh đã gặp gỡ và yêu thương chị. Thời gian đầu của cuộc hôn nhân khá tròn trịa, hạnh phúc khi lần lượt hai cháu bé ra đời. Thế rồi vì nuôi con và cha mẹ già nên vợ chồng anh ngày càng vất vả. Đồng lương của hai vợ chồng xem ra khá chông chênh so với những khoản chi phí gia đình. Anh bắt đầu lo lắng nhưng khá lúng túng, chưa biết phải làm sao. Thế là mọi việc phải nhờ đến vợ. Vợ anh vừa là vợ, vừa là mẹ, vừa là con. Mọi khó khăn cùng những trắc trở của gia đình đều đổ dồn lên đôi vai của chị. Và tất nhiên, chị phải hoàn thành trách nhiệm của một cô giáo. Thế là có nhiều đêm chị phải thức trắng soạn bài để dư thời gian chăm sóc cho hai con nhỏ và cha mẹ chồng già yếu. Đã rất nhiều lần chị từ chối những buổi gặp gỡ vui chơi với bạn bè, đồng nghiệp vì để tiết kiệm “được đồng nào đỡ đồng ấy” và cũng để dư thời gian cho gia đình. Anh cười chua chát bảo tôi, giờ tôi mới hiểu hết tấm lòng người phụ nữ ông ạ. Nếu khen ngợi họ bằng thơ ca, nhạc họa, bằng bao nhiêu lần hai tiếng “tuyệt vời” thì cũng bằng thừa. Nhiều người bảo người phụ nữ là người “hai trong một” thậm chí là “ ba, bốn trong một” nhưng trong mắt tôi, vợ tôi là người phụ nữ “en-nờ trong một”. Nói xong câu ấy anh cười ha ha, trông rất ngang tàng nhưng sao mắt anh thoáng rưng rưng...

3. Mỗi lần nghĩ về những phụ nữ là lòng tôi cứ bùi ngùi. Những ai đã từng sinh ra và gắn bó với thôn quê đều lưu luyến với hình ảnh cánh cò. Mùa xuân, cò về từng đàn đậu trắng xóa trong mỗi thửa ruộng lún phún mạ non. Xa xa, những đốm cò trắng trên đồng như gợi lại hình ảnh những chiếc nón lá của các bà, các chị đang cặm cụi nhổ cỏ, cấy lúa trên đồng. Hình ảnh đó làm tôi nhớ về mẹ, về những tháng ngày thơ ấu nơi thôn dã xa xôi. Đó là quãng đời nghèo khó đã cột chặt mẹ với những lam lũ bần hàn. Và mẹ đã cam chịu một cách bình an bằng tấm lòng người mẹ, người vợ mà không một lời ta thán. Và một ngày tôi thảng thốt nhận ra rằng, thời gian của mẹ không phải là vô hạn!

Bây giờ thì tôi có ba người phụ nữ của đời mình: vợ và hai con gái. Tôi thật sự không dám nói lời cảm ơn vợ và cảm ơn các con đã cùng tôi gom góp yêu thương để làm nên tổ ấm. Bởi tôi biết rằng ngôn ngữ của trái tim đôi khi hiệu quả gấp nhiều lần lời nói. Thật lòng tôi luôn hạnh phúc vì vợ và các con gái tôi luôn là hoa, là chim. Mỗi ngày khu vườn nhà tôi sẽ có hương thơm của hoa lá và rộn ràng tiếng chim hót ngây ngô.

Hương sắc ấy, lời chim ấy đã sẵn trong vườn nhà tôi, nhà bạn, nhắc nhớ tôi, bạn và “một nửa thế giới còn lại” rằng hãy biết trân quý và yêu thương những người phụ nữ của đời mình.