CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Cơm nguội

(NTO) Tôi cũng có điều kiện đi nhiều nơi, kể cả ngoài nước, dự nhiều tiệc tùng, liên hoan chiêu đãi “buffet” ở các nhà hàng, với hàng dãy thức ăn ú hụ, hết sức phong phú, bắt mắt, phục vụ đủ cho vài trăm thực khách trong phòng tiệc.

Không ít người trong chúng ta thường có tật xấu khi ăn uống là thiếu tế nhị, không… nhìn trước ngó sau, nhiều khi ở nơi công cộng mà cứ tự nhiên như ở nhà, rất khó coi. Ở các tiệc “buffet”, trước khi ăn, thường thì người ta “đảo” một vòng, chọn món nào hợp khẩu vị, lượng sức mình ăn bao nhiêu thì tự phục vụ bấy nhiêu cho vừa đủ, tránh để lại đồ thừa. Đằng này, nhiều bác, không biết có phải lần đầu được ăn uống kiểu này hay không, chơi liền phát, một tay tô phở bò, tay kia một đĩa cơm chiên thập cẩm. Đặt thức ăn ở bàn xong, sợ người…lấy hết phần mình hay sao, bác đi lấy tiếp một ly to cà phê sữa, một cốc nước trái cây to đùng và một đĩa bánh ga-tô ú hụ. Một vài vị khách liếc mắt, xem chừng rất khó chịu hành vi này... Và kết quả là vị khách kia chỉ sử dụng… khoảng 50% lượng thức ăn, nước uống, phần còn lại là đồ thừa, phải bỏ đi thôi, thật là lãng phí!

Tôi đã được xem phim “Chicken ala carte”, đây là một phim ngắn với thời lượng chỉ 6 phút, đoạt giải Nhất trong Liên hoan phim Quốc tế lần thứ 56 năm 2006, tại Berlin (Đức), với 3.600 phim tham gia dự thi về chủ đề “Food, taste and hunger” (tạm dịch: Thức ăn, thưởng thức và sự đói rách). Đại loại nội dung như sau: Tại một nhà hàng bán thức ăn nhanh, thực khách rất đông và đương nhiên lượng thức ăn thừa nhiều kinh khủng. Cuối ngày, một anh ở xóm lao động nghèo đạp xe đi lấy thức ăn thừa ở nhà hàng về chăn nuôi. Ở xóm anh ta, rất nhiều người đói rách, nhất là trẻ em, trông rất đáng thương. Khi lấy thức ăn từ các thùng chứa, anh cẩn thận phân loại từ trong đống “hỗ lốn” đó, “cái gì” người ăn được thì để riêng ra một bên. Vừa đẩy xe về tới đầu ngõ thì đám trẻ con hàng xóm túa ra, anh “phân phối” cho từng đứa, chúng “chén” ngay tại chỗ, trông rất ngon lành và cũng rất tội nghiệp. Và cả nhà anh ăn tối cũng từ những thứ lựa ra trong đống “hỗ lốn” đó. Ngày lại, ngày qua… Phim chỉ có thế, kết thúc với một thông điệp: “Trên thế giới có 25.000 người chết đói mỗi ngày”!

Thời bây giờ, kinh tế đã khá lên, đời sống chúng ta đủ đầy hơn, từ “ăn no mặc ấm”, chúng ta tiến lên… “ăn ngon mặc đẹp”, nhưng đôi lúc tiến lên… quá đà, đã ăn ngon, chúng ta còn để… thừa mứa, phung phí rất lớn, nhất là các ông cứ lao vào… phở, bún bò, mà quên đi cơm nguội của những ngày xa xưa, cơ hàn. Thời đó, một chén cơm nguội, một tí mắm ngon, một chút cá khô, đã là…chiến lắm rồi, hoặc đun cơm nguội, một tí dầu ăn, quả trứng (cơm chiên) đã là… đặc sản mê tơi. Bây giờ, một số bác cứ nghe cơm nguội là giãy nảy lên như đĩa phải vôi, chê…“cũ”, chê… không ngon, chê… ớn, chỉ…thèm phở! Do vậy, ai đó đã có hai câu thơ như để nhắc nhở và cũng là dặn dò các bác nên… coi chừng: Vợ là “cơm nguội” của ta, nhưng là “đặc sản” của cha láng giềng.