Thể thao VN: Trọng điểm cho Olympic 2016

Năm 2015 là thời điểm mà TTVN sẽ tiến hành đầu tư trọng điểm nhằm hướng tới thế vận hội Olympic diễn ra tại Rio de Janeiro (Brazil) vào năm 2016.

Theo kế hoạch của ngành TDTT, trong năm 2015, TTVN sẽ tham dự 3 đấu trường quốc tế gồm: SEA Games 28, Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ VIII (đều diễn ra tại Singapore) và các giải trong khuôn khổ vòng loại Olympic 2016.

Để chuẩn bị lực lượng chuyên môn cho 3 đấu trường này cũng như các năm tiếp theo, ngành TDTT bắt đầu tiến hành cuộc đầu tư có trọng điểm dài hạn nhằm tạo sức phát triển bền vững hơn cho thể thao nước nhà.

Cụ thể, dự kiến sẽ có khoảng 80 VĐV cùng 20 HLV của các môn thể thao trọng điểm như: Điền kinh, bơi lội, bắn súng, thể dục dụng cụ... được tập trung đầu tư theo chế độ đặc biệt.

Những VĐV, HLV được lựa chọn sẽ được hưởng những ưu đãi và chế độ dinh dưỡng riêng như tăng tiền ăn, tiền công theo quy định của Nhà nước để yên tâm, có động lực hơn trong tập luyện và thi đấu.

Ngoài ra, bên cạnh những tuyển thủ đã có thành tích tiệm cận châu lục và thế giới, điểm đặc biệt trong danh sách đầu tư trọng điểm này còn có cả những gương mặt trẻ tài năng nhằm tạo ra lớp kế thừa cho tương lai.

Có thể sau một thời gian dài đầu tư khá dàn trải và tính hiệu quả chưa cao, thì rõ ràng việc đầu tư có trọng điểm là bước đi mới của TTVN được giới quản lý cũng như các nhà chuyên môn đặt nhiều kỳ vọng về tính hiệu quả.

Rõ ràng là cách làm kiểu "đi tắt, đón đầu" nhằm tìm kiếm nhiều nhất huy chương đã không còn phù hợp. TTVN cần phải có sự phát triển bền vững hơn từ chính những môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic.

Còn quá sớm để nói đến những tấm huy chương sẽ có được từ cuộc đầu tư trọng điểm. Nhưng cũng chỉ ngay trong năm 2015 này, một phần câu hỏi sẽ được trả lời qua vòng loại Olympic 2016.

Với trình độ hiện tại, tất nhiên, Olympic vẫn là đấu trường vượt tầm, nhưng nếu xét ở từng môn thể thao cụ thể, thì TTVN không phải không có cơ hội. 2 tấm HCB của nữ võ sỹ Taekwondo Trần Hiếu Ngân (Olympic Sydney 2000) và lực sỹ cử tạ nam Hoàng Anh Tuấn (Olympic Bắc Kinh 2008) là minh chứng.

Ngoài ra, việc có nhiều VĐV vượt qua vòng loại để giành suất tham dự Olympic chính thức cũng là minh chứng cho sự phát triển của cả nền thể thao quốc gia.

Tại kỳ Thế vận hội gần nhất - Olympic London 2012, TTVN đã có 18 VĐV ở 11 môn tham dự, đa phần bằng suất chính thức. Trong đó ở 5 môn cơ bản nhất tại Olympic là: Điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, chúng ta đều có VĐV tranh tài.

Mục tiêu của TTVN tại Olympic 2016 là duy trì được số lượng VĐV vượt qua vòng loại để tìm suất chính thức và các suất chính thức cũng nằm trong số các tuyển thủ, các môn được đầu tư trọng điểm.

SEA Games chỉ còn được xác định là bàn đạp nhằm hướng tới các sân chơi cao hơn, vì thế vòng loại Olympic 2016 mới thực sự là mục tiêu quan trọng nhất của TTVN trong năm Ất Mùi này.

Một số sự kiện đáng chú ý của TTVN năm 2015:

- Vòng loại bóng đá U23 châu Á diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia từ 23-31/3.

- Giải bóng đá nữ Đông Nam Á 2015 dự kiến sẽ tổ chức tại TPHCM vào tháng 5.

- Vòng loại World Cup 2018 và Asian Cup 2019 vào tháng 6.

- SEA Games 28 vào tháng 6 tại Singapore.

- Giải vô địch quyền Taekwondo thế giới tại TPHCM vào tháng 11.

- Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á - ASEAN Para Games vào tháng 12 tại Singapore.

Nguồn chinhphu.vn